Rủi ro từ mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng

(CL&CS) - Mặc dù cơ quan chức năng đã có Quy chuẩn kỹ thuật dành cho mũ bảo hiểm với người đi xe máy từ nhiều năm nay, nhưng vấn nạn mũ kém chất lượng vẫn tồn tại và được nhiều người sử dụng.

Tràn lan mũ bảo hiểm kém chất lượng

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc sử dụng mũ bảo hiểm chính hãng khi tham gia giao thông sẽ làm giảm nguy cơ tử vong lên đến 70%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam (VAMM), trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Cũng theo khảo sát thực tế của VAMM, dọc các tuyến đường phố trên các tỉnh, thành phố, nhiều cửa hàng, sạp hàng bàn mũ bảo hiểm giả, trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm ở Hà Nội còn xảy ra hiện tượng trà trộn mũ bảo hiểm chính hãng và mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng.

Trên các tuyến đường quốc lộ, đường trong nội thành TP Hà Nội, không khó để bắt gặp các quán bán hàng rong ven đường bày bán tràn lan các loại mũ bảo hiểm, giá rẻ chỉ từ vài chục nghìn với đa dạng mẫu mã và màu sắc. Độc lạ, bắt mắt và giá rẻ như vậy, những sản phẩm mũ bảo hiểm này đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người tham gia giao thông. 

Mũ bảo hiểm giá rẻ, kém chất lượng vẫn bán tràn lan.

Dù biết chiếc mũ này không thật sự an toàn khi tham gia giao thông, nhưng không nhiều người tiêu dùng biết chất lượng của chiếc mũ này kém đến mức có thể bẻ gãy bằng tay không và thậm chí các mảnh vỡ có thể đâm ngược vào người lái xe trong những tình huống tai nạn giao thông xảy ra. Điều đáng nói, dù biết là hàng kém chất lượng nhưng những loại mũ nói trên lại được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ.

Mặc dù, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm nhưng gặp khó khăn trong công tác xử phạt bởi đa phần các cá nhân bày bán tự phát trên lòng đường, vỉa hè, không có cửa hàng, giấy phép kinh doanh. Mặt khác, khi lực lượng chức năng rời đi, các đối tượng này lại bày bán công khai trở lại.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng đặc biệt nguy hiểm đối với những người điều khiển xe máy. Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) tại Việt Nam ở 2 tỉnh Tp.HCM và Thái Nguyên cuối năm 2019, có tới 9 trong 10 mũ bảo hiểm được kiểm tra không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về an toàn khi thực hiện kiểm tra về độ va đập (Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm QCVN2:2008).

Còn theo một nghiên cứu về việc đội mũ không đạt chuẩn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thực hiện năm 2012, có tới 54% mũ bảo hiểm không có dán nhãn, tem đạt chuẩn. Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn cao nhất 79,4%, tiếp đến Mexico 71,4%, Pakistan 62,5%, Ấn Độ 61% và Việt Nam 22%.

Nâng cao ý thức người dân

Được biết, theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 2:2021/BKHCN, mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông có mục đích chính là hấp thụ năng lượng va đập để bảo vệ vùng đầu của người đội nhằm giảm thiểu chấn thương khi bị va đập. Về cơ bản, các quy chuẩn kỹ thuật đối với mũ bảo hiểm có một số điểm đáng chú ý.

Theo đó, mũ phải bao gồm 4 bộ phận chính: Vỏ mũ là phần vỏ cứng bên ngoài, có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội; đệm hấp thụ xung động bên trong thân mũ (đệm bảo vệ) có tác dụng giảm chấn động tới đầu người đội mũ; quai đeo để cố định mũ; lớp vải lót bên trong để đảm bảo dễ chịu cho người sử dụng; các phụ kiện như kính bảo vệ, lưỡi trai, lót cằm… không bắt buộc.

Nhiều vụ tai nạn tại Hà Nội nguy hiểm từ những chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng đã xảy ra

Mũ được chia thành 4 loại. Cụ thể, mũ che nửa đầu: Mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên của người đội mũ; mũ che ba phần tư đầu: Mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên và một phần đầu phía sau của người đội mũ; mũ che cả đầu và tai: Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu và vùng tai của người đội mũ; mũ che cả đầu, tai và hàm: Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng tai và cằm của người đội mũ. Mặc dù quy chuẩn đã có, nhưng hiện nay người tiêu dùng vẫn có thể mua mũ bảo hiểm giá rẻ ở lề đường, cho thấy, việc quản lý chất lượng mặt hàng này đang bị các cơ quan chức năng bỏ ngỏ.

Bên cạnh nguy cơ mất an toàn, mũ bảo hiểm rởm cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về da liễu. Để tiết kiệm chi phí, các đơn vị sản xuất nón bảo hiểm kém chất lượng thường dùng loại nhựa tái chế không đạt tiêu chuẩn để gia công, chế tạo. Khi đội các loại nón này ra đường với nhiệt độ cao, sử dụng thường xuyên, người dùng dễ bị ngứa da đầu, gàu, nấm đầu, rụng tóc,…

Theo các bác sĩ da liễu, khi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng thường xuyên, mồ hôi thoát ra không thấm hút được, gây ẩm ướt, khiến các vi khuẩn, nấm phát triển và gây ra bệnh về da đầu. Trong khi đó, mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn có lỗ giúp thoáng khí và làm từ vật liệu an toàn nên giúp bạn tránh nguy cơ ngứa, nấm đầu.

Vì vậy, việc chọn mua và sử dụng mũ bảo hiểm chính hãng, đảm bảo chất lượng là rất cần thiết để bảo vệ bản thân và đóng góp vào an toàn giao thông chung của cộng đồng. Chỉ khi mọi người đều chấp nhận và thực hiện đúng quy định về an toàn giao thông, chúng ta mới có thể giảm thiểu được tai nạn và hậu quả xảy ra trên đường phố.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất và phân phối mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp cụ thể để ngăn chặn sự phát tán của các sản phẩm này trên thị trường, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng mũ bảo hiểm chính hãng và đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Người tiêu dùng nên tự ý thức, trách nhiệm của mình trong việc “tẩy chay” những mặt hàng kém chất lượng; đồng thời việc này cũng giúp các cơ quan chức năng ngăn chặn việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Trên thực tế, chỉ khi mọi người đều thực hiện nghiêm các quy định và chính sách về an toàn giao thông, chúng ta mới có thể giảm thiểu được những rủi ro và hậu quả từ việc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Đây là một trong những bước quan trọng để xây dựng một môi trường giao thông an toàn và phát triển bền vững cho đất nước.

TIN LIÊN QUAN