RCEP thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng được thị trường, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư.
Mở ra thị trường xuất nhập khẩu dồi dào
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) ký kết RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Sau khi RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết. Theo đó, đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho doanh nghiệp Việt Nam trong khoảng 90,7-92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9-100% số dòng thuế.
Theo Bộ Công thương, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. RCEP được ký kết và sớm có hiệu lực, tạo kỳ vọng để tăng xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
Các số liệu của Bộ Công thương cho thấy riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hằng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc với nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô...
Cùng với việc giúp cắt giảm 10% các chi phí giao dịch thương mại, nguồn nguyên liệu dệt may lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho phép Việt Nam vừa mở rộng khả năng đáp ứng tiêu chí xuất xứ, vừa tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường tiêu dùng giàu có của Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội ưu đãi với nguồn cung linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại... từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay linh kiện, phụ tùng ô tô từ Thái Lan, Indonesia...
Hiện thuế nhập khẩu linh phụ kiện máy tính, vi mạch... từ nhiều nước về Việt Nam hay giữa các nước khác nhau đều rất thấp, gần như bằng 0%. Do đó nếu theo quy tắc tính gộp xuất xứ, doanh nghiệp tại Việt Nam mua linh kiện từ các nước thành viên tham gia RCEP về lắp ráp, sản xuất rồi xuất khẩu sang các nước này thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.
RCEP được thực thi, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tốt hơn, ít rủi ro về mặt thị trường. Đồng thời, RCEP cũng góp phần tạo động lực cho nhà đầu tư nước ngoài tìm đến các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, bởi lẽ RCEP lấy các nước ASEAN là trung tâm, nhất là trong bối cảnh vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á.
RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, ổn định, thuận lợi cho các nước tham gia, thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng được thị trường, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư.
Doanh nghiệp cần đặt mình vào thế chủ động
RCEP giúp các công ty Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên hiệp định cũng buộc doanh nghiệp đối diện thêm không ít thách thức, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp Việt không tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp trong khối sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam. Cùng với đó, các nhà sản xuất Việt Nam phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn.
Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là phải đổi mới để cạnh tranh từ khâu xây dựng chuỗi cung ứng trong sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường đến những hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp địa phương vẫn đang “loay hoay” do gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu tính định hướng trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) cho biết hoàn toàn yên tâm vì Việt Nam đi trước một bước. Ngoài RCEP, Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) trước với mức độ cao hơn như Nhật Bản đã có FTA song phương, FTA khu vực giữa ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai bên cùng tham gia, mức độ mở cửa thị trường gần như 100% và lộ trình đi rất nhanh.
Để khai thác triệt để lợi ích do RCEP mang lại, đại diện Bộ Công thương cho rằng, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia hiệp định, quy tắc xuất xứ, hiệp định cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại...
Bộ Công thương đã chuẩn bị lộ trình triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà RCEP đem lại.
Các doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ RCEP. Trong đó, chính quyền cần hướng dẫn một cách cụ thể về các mức thuế quan từng ngành theo lộ trình để doanh nghiệp nắm vững, vận dụng thực thi sao cho hiệu quả cao nhất. Doanh nghiệp cần đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, hạn chế những thách thức, rủi ro phát sinh.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế vào thị trường các nước RCEP và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp cam kết quốc tế để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.