Rác thải điện tử đang gia tăng và đe dọa sức khỏe của người dân

(CL&CS) - Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần áp dụng khẩn cấp các biện pháp hiệu quả và ràng buộc để bảo vệ người dân trên khắp thế giới bị đe dọa sức khỏe bởi việc xử lý bừa bãi các thiết bị điện hoặc điện tử không còn sử dụng.

Theo số liệu công bố của Liên Hiệp Quốc tại báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020", trong năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử. Dự báo sẽ có khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. 

Khối lượng rác thải thiết bị điện và điện tử đang gia tăng trên toàn cầu. Theo Đối tác thống kê chất thải điện tử toàn cầu (GESP), chúng đã tăng 21% trong 5 năm tính đến năm 2019, năm mà 53,6 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra.

Rác thải điện tử đang gia tăng và đe dọa sức khỏe của người dân

Để so sánh, lượng rác thải điện tử được tạo ra vào năm ngoái tương đương với trọng lượng của 350 con tàu du lịch, được đặt từ đầu đến cuối, sẽ tạo thành một tuyến dài 125km. Sự gia tăng khối lượng chất thải này dự kiến sẽ tiếp tục do việc sử dụng máy tính, điện thoại di động và các thiết bị điện tử lỗi thời nhanh chóng khác tiếp tục gia tăng.

Theo ước tính của GESP gần đây nhất, chỉ có 17,4% chất thải điện tử được sản xuất trong năm 2019 được đưa đến các cơ sở quản lý hoặc tái chế chính thức; phần còn lại được xử lý bất hợp pháp, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi chúng được người lao động tái chế trong khu vực phi chính thức.

Theo số liệu thống kê của Hội Thống kê rác thải toàn cầu (The Global E-Waste Statistics Partnership - GESP), trong năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử. 

Trên cơ sở các nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Đức Quảng - ĐH Bách khoa Hà Nội - dự báo mặc dù chất thải điện tử tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng đang gia tăng nhanh chóng và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới và còn đa dạng về chủng loại nữa.

"Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất thải điện tử hiện đang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Từ năm 2013, các thiết bị điện - điện tử thải bỏ là 1 trong 6 nhóm sản phẩm phải thu hồi và xử lý. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc quản lý chất thải điện tử nói riêng ở Việt Nam, điều thường gặp ở các quốc gia phát triển khác", PGS.TS Nguyễn Đức Quảng chia sẻ.

Những người lao động đang phải làm công việc thu hồi các vật liệu có giá trị như đồng và vàng có nguy cơ tiếp xúc với hơn 1.000 chất độc hại, bao gồm chì, thủy ngân, niken, chất chống cháy brom hóa và hydrocacbon thơm đa vòng (PAH).... trong đó có nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trước sự gia tăng nhanh chóng về rác thải nhựa điện tử và sự nguy hiểm của chúng, WHO kêu gọi các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và chính phủ thực hiện các biện pháp hiệu quả và ràng buộc để bảo đảm xử lý rác thải một cách hợp lý về môi trường cũng như sức khỏe và sự an toàn của người lao động trong lĩnh vực này, gia đình và cộng đồng của họ; để giám sát phơi nhiễm chất thải điện tử và kết quả sức khỏe; để tạo điều kiện tái sử dụng vật liệu tốt hơn; và khuyến khích sản xuất các thiết bị điện và điện tử bền vững hơn.

TIN LIÊN QUAN