Rà soát quy định về tiêu chuẩn PCCC thống nhất với Luật TC&QCKT

(CL&CS) - Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật PCCC và CNCH là nhằm rà soát quy định về tiêu chuẩn PCCC cho thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Bộ Công an, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi và nghiên cứu bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

Cụ thể, thực tế hiện nay các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thường xuyên thay đổi, phát sinh mới dẫn đến không quy định bao quát hết và thực tế cho thấy, một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở và trong phạm vi một cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức thuê, mua mặt bằng để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, về quy định cơ sở trong Luật Phòng cháy và chữa cháy cần phải được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, bao quát.

Rà soát sửa đổi các quy định của Luật PCCC để khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập, thống nhất với một số luật hiện hành có liên quan, bảo đảm tính khả thi; bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể: Rà soát, bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, về sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa và các chất dễ cháy, nổ; quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật PCCC cần rà soát điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính;

 Ảnh minh hoạ.

Rà soát quy định về PCCC rừng cho thống nhất với Luật Lâm nghiệp; rà soát quy định về tiêu chuẩn PCCC cho thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật PCCC chưa phân định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về PCCC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định; về khái niệm thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng cần được điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xây dựng; quy định về điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy chưa bảo đảm tính khả thi;

Quy định về bồi thường tài sản tham gia chữa cháy còn chung chung; về quy định xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ (CNCH) cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi; về xây dựng, bố trí lực lượng PCCC và CNCH cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và khả năng bảo đảm của từng loại hình cơ sở, từng địa phương. Về quy định trang bị phương tiện PCCC đối với các loại hình cơ sở, phương tiện giao thông cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý;

Rà soát, điều chỉnh quy định về thanh tra trong Luật PCCC và Luật Thanh tra để bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Về bảo đảm điều kiện hoạt động PCCC, CNCH cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số quy định của Luật PCCC không còn phù hợp tình hình thực tế cần được sửa đổi như việc thực hiện yêu cầu khu dân cư phải có các quy định, nội quy về PCCC; bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù do hiện nay đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng trực tiếp...

Mục đích xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, hoạt động CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

TIN LIÊN QUAN