Làn sóng COVID-19 thứ 4 vẫn đang diễn biến phức tạp, sẽ khiến tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ chậm lại so với kỳ vọng và thời gian chống dịch, dập dịch để quay lại trạng thái bình thường có thể kéo dài hơn. Vậy phải đến lúc nào chúng ta mới bước vào trạng thái bình thường mới, thưa ông?
Chúng ta đang dần bước vào trạng thái bình thường mới. Về cơ bản chúng ta đã từng bước tiến đến trạng thái bình thường mới. Bình thường mới là như ở Bắc Giang, trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, người lao động làm việc và ở ngay tại khu công nghiệp.
Bình thường mới là những lái xe đã tiêm vaccine, đã có giấy chứng nhận test được lái xe bình thường. Việc tiêu thụ vải thiều cũng từ người trồng vải, người thu hoạch đến lái xe đều được tiêm vaccine, tạo ra luồng xanh ở cửa khẩu để vải thiều đi. Đây cũng là một trạng thái bình thường mới.
Trong đợt dịch thứ 4 này chúng ta hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn nên chúng ta thống nhất với nhau cao hơn và trạng thái bình thường mới cũng đi nhanh hơn.
Ông nhìn nhận tác động của đợt dịch này tới kinh tế như thế nào? Các địa điểm thực hiện cách ly phong tỏa đang nhiều lên, nên cũng ảnh hưởng nhất định tới các hoạt động sản xuất kinh doanh?
Năm nay khó khăn hơn rất nhiều. Dịch bệnh đang xuất hiện ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp hơn với chủng virus mới, quy mô lớn với số người nhiễm lần này bằng cả ba lần trước cộng lại, tốc độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch và hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân...
Và sau gần một năm rưỡi gồng mình qua 4 đợt dịch, nguồn tiết kiệm, tích trữ của người dân và doanh nghiệp đang cạn.
Trong khi đó, trên thế giới có những nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc đang khôi phục rất nhanh đi kèm theo các gói hỗ trợ kinh tế cực lớn của họ đang đẩy giá hàng hóa lên cao khiến cho giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của ta lên khá cao. Với thực lực kinh tế của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam cao gấp 2,1 lần so với GDP nên chắc chắn chúng ta bị ảnh hưởng tới cả sản xuất và đời sống người lao động.
Ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh là chắc chắn và chúng ta phải chấp nhận. Nhưng chúng ta đang giữ được mức ổn định đời sống người lao động.
Chúng ta hãy trả lời câu hỏi, khi chưa tiêm được vaccine rộng rãi cho người dân thì phương án nào tốt hơn phương án đang thực hiện không, có cách nào ngăn không cho dịch lây lan hiệu quả hơn không?
Trong bối cảnh chưa có đủ vaccine, phương án cô lập nguồn lây nhiễm đang áp dụng hiện nay là phương án tối ưu để ngăn không cho dịch trở thành đại dịch, không tác động rộng tới đời sống kinh tế - xã hội.
Nhưng câu chuyện ở đây không chỉ là tác động của dịch bệnh, mà còn là cảnh bảo về sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhập siêu đã trở lại. Đó là dấu hiệu.
Chúng ta đều thấy rằng vaccine là vấn đề quyết định. Nhưng làm sao có đủ để tiêm vaccine phổ cập cho người dân sớm nhất. Quỹ vaccine đã được thành lập, ta sẽ chủ động hơn với vấn đề vaccine?
Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch. Chúng ta đã tiếp cận vaccine từ rất sớm. Nhưng việc mua đủ vắc – xin còn khó khăn vì 3 lý do. Thứ nhất, Việt Nam không phải vùng dịch như chúng ta và thế giới nhìn nhận. Thứ hai, quan hệ đối ngoại và sức mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế ngày hôm nay là kết quả của chủ trương đối ngoại độc lập và tự chủ; phương châm của chúng ta không ngả về nước nào. Thứ ba, chúng ta cần tăng cường nội lực của quốc gia (trong sản xuất vaccine). Câu chuyện vaccine của nước ta cần nhìn nhận từ góc độ đó.
Gặp tình huống này, chúng ta phải thay đổi tư duy nhận thức. Tổ tư vấn chúng tôi đã có một bản báo cáo nhanh gửi Thủ tướng về quy trình phê duyệt vaccine, trong đó nhận định, các quốc gia như Nga, Mỹ đều áp dụng luật thời chiến để sản xuất vaccine.
Chúng ta phải sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19 để chủ động lo cho người dân.
Tôi cho rằng Quỹ vaccine vừa được thành lập không chỉ để đi mua vaccine mà phải là bỏ tiền để đầu tư cho sản xuất vaccine. Hiện nay quỹ này ở mức độ đi mua vaccine.
Quỹ là sự vận động đóng góp nên Quỹ không bị trói buộc bởi luật đầu tư công, Quỹ có thể vượt qua quy định chi tiêu công để đầu tư cho những mục tiêu mà nhà nước và nhân dân cần, ở đây là mục tiêu đầu tư ngay cho nhà sản xuất vaccine vì thế các nước mới lập quỹ văc-xin.
Tôi tin rằng buổi làm việc của Thủ tướng với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine, đã tiếp thêm động lực cho việc nghiên cứu và sản xuất vaccine chống COVID-19. Sau buổi làm việc này, những khó khăn, vướng mắc trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine được tháo gỡ và Quỹ vaccine được sử dụng đúng bản chất là đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất vaccine thì chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine.
Theo ông lúc nào chúng ta có thể áp dụng hộ chiếu vaccine, visa vaccine?
Hiện nay chúng ta đã chấp nhận hộ chiếu vaccine, visa vaccine. Đừng hiểu visa vaccine chỉ là con dấu đóng trên hộ chiếu và dùng khi xuất nhập cảnh. Visa vaccine chính là khi lái xe đã tiêm vaccine, có giấy chứng nhận test là được chạy xe thông xuốt. Đây đúng là duy vận biện chứng, là lượng đổi thành chất. Chúng ta từng bước, từng hoạt động chấp nhận chứng chỉ tiêm vaccine rồi mới đi đến từng ngành ,từng lĩnh vực từng địa phương, đến một lúc nào đấy trở thành cả quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rõ về vấn đề này.
Và trong cuộc họp ngày 11/6/2021 vừa rồi, Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có khả năng khống chế dịch như Phú Quốc, Kiên Giang. Như thế vaccine visa đã đi vào cuộc sống.
Theo ông định hướng điều hành những tháng tới như thế nào? Chúng ta có thể tạo nên một năm thành công với mục tiêu kép như đã từng đạt được trong năm qua hay không?
Trong những tháng tới, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là vẫn đi song song theo 3 hướng, đồng thời đây cũng là ba trụ cột điều hành cho những tháng tới. Đó là: Phòng chống dịch; đẩy mạnh đầu tư công; mở cửa tạo thông thoán cho nền kinh tế.
Chính phủ đang điều hành theo đúng phương châm của duy vật biện chứng là lượng đổi thành chất. Làm từng việc, ở từng địa phương, nghiên cứu tác động rồi mới nhân rộng.
Năm nay khó khăn nhiều hơn năm ngoái. Dịch bệnh phức tạp hơn với virus biến chủng mới. Nhưng chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Việc chống dịch cũng theo hướng giảm tối thiểu tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống, không để đứt gãy chuỗi cung.
Với cách điều hành này, tin rằng vụ vải năm nay sẽ thành công. Từ vụ vải thành công sẽ có những vụ dưa hấu và dưa lê, sẽ có những vụ lúa, tôm cá sẽ thành công, dần dần cả nền kinh tế sẽ thành công. Đó chính là phương châm điều hành là thực tiễn kiểm nghiệm chính sách vĩ mô.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)