Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA

(CL&CS) - Ngày 11/6/2021, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA).

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); thương nhân cũng như các  cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

 Quy định chung về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Hàng hóa có xuất xứ Vương quốc Anh nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ bao gồm:  C/O được phát hành theo quy định tại Thông tư;  chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định do nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Vương quốc Anh phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ; hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR; chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử theo quy định của Vương quốc Anh sau khi Vương Quốc Anh thông báo với Việt Nam về cơ chế chứng nhận đối với hàng hóa có xuất xứ từ Vương Quốc Anh. Như vậy có thể thấy đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nếu lô hàng có trị giá từ 6.000 EUR trở xuống, thì bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, thì chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Vương quốc Anh được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi có một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:  C/O được phát hành theo quy định tại Thông tư ;  chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định phát hành bởi nhà xuất khẩu có lô hàng trị giá không quá 6.000 EUR;  chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu theo quy định của Bộ Công Thương. Như vậy có thể thấy đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nếu lô hàng có trị giá từ 6.000 EUR trở xuống, thì bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ (C/O); với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, thì áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

Tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh

Nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hàng hóa có xuất xứ từ Vương quốc Anh và đáp ứng quy định khác của UKVFTA.  Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Thông tư  và phù hợp với quy định pháp luật của Vương quốc Anh. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ được phép thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại với điều kiện nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại.

Tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Việt Nam

Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư  khi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và đáp ứng quy định khác của UKVFTA.  Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Thông tư và phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa.  Nội dung tự chứng nhận xuất xứ không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ được phép thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại với điều kiện nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại.  Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ nộp chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như việc tuân thủ quy định khác của Thông tư theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại Nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Nước thành viên nhập khẩu.

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu khai báo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn của Bộ Công Thương.

Thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại Nước thành viên xuất khẩu và phải nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu sau thời hạn hiệu lực vẫn có thể được chấp nhận để hưởng ưu đãi thuế quan UKVFTA trong trường hợp nhà nhập khẩu không thể nộp các chứng từ đó trong thời hạn hiệu lực vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu. Trong trường hợp xuất trình muộn khác, cơ quan hải quan của Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của hàng hóa đã được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực được quy định.

Nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 02 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.

Miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại, được khai báo đáp ứng quy định tại Thông tư và không có nghi ngờ về tính xác thực của khai báo đó. Trong trường hợp hàng hóa được gửi qua bưu điện, khai báo có thể được thực hiện trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc trên một văn bản đính kèm tờ khai hải quan.

Lô hàng nhập khẩu không thường xuyên chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng hoặc người đi du lịch hoặc gia đình của người đó không được coi là nhập khẩu theo hình thức thương mại nếu bản chất và số lượng sản phẩm đó có thể là bằng chứng cho thấy sản phẩm không dùng cho mục đích thương mại. Tổng trị giá hàng hóa quy định trên không được vượt quá:  500 EUR đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1.200 EUR đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Vương quốc Anh;  200 USD đối với trường hợp kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa

Tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa phục vụ việc cấp C/O hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ bao gồm: Tài liệu chứng minh quá trình sản xuất hoặc công đoạn gia công được thực hiện bởi nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất, như báo cáo hoặc sổ sách kế toán; chứng từ dùng để chứng minh xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định hiện hành;  chứng từ chứng minh công đoạn gia công hoặc chế biến nguyên liệu, được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định hiện hành;  chứng từ chứng nhận xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định tại Thông tư.

Lưu trữ hồ sơ

Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hoặc thương nhân đề nghị cấp C/O lưu trữ ít nhất 3 năm bản sao của chứng từ chứng nhận xuất xứ cũng như chứng từ khác. Cơ quan, tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu lưu trữ ít nhất 3 năm hồ sơ đề nghị cấp C/O. Cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu lưu trữ ít nhất 3 năm chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được nộp cho cơ quan hải quan đó. Nhà xuất khẩu lưu trữ chứng từ hoặc hồ sơ, theo quy định hiện hành của Nước thành viên, dưới bất kỳ hình thức nào, với điều kiện chứng từ hoặc hồ sơ tra cứu và in ra được.

 Xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Việc kiểm tra, xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện xác suất hoặc khi cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu có nghi ngờ hợp lý về tính xác thực của chứng từ, về xuất xứ của hàng hóa hoặc việc tuân thủ quy định khác của UKVFTA.

Theo quy định này, cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu gửi lại C/O, hóa đơn đã được nộp, hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hay bản sao của các chứng từ này cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu và đưa ra lý do đề nghị kiểm tra, xác minh phù hợp. Các chứng từ và thông tin cho thấy sự sai lệch, không chính xác về thông tin thể hiện trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được gửi kèm theo đề nghị kiểm tra, xác minh. Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan hải quan của nước xuất khẩu thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu về việc nhận được đề nghị kiểm tra, xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Việc thông báo này có thể thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả hình thức điện tử.

Việc kiểm tra, xác minh do cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền này có quyền yêu cầu bằng chứng và tiến hành kiểm tra báo cáo, sổ sách kế toán của nhà xuất khẩu hoặc công tác kiểm tra khác được cho là phù hợp.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu quyết định tạm dừng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA đối với lô hàng trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, xác minh, việc thông quan hàng hóa cho nhà nhập khẩu được thực hiện và có xét đến các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Quyết định tạm dừng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA phải được thu hồi ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu xác định hàng hóa có xuất xứ hoặc tuân thủ các quy định khác của Thông tư.

Cơ quan có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, xác minh phải được thông báo kết quả kiểm tra, xác minh trong thời gian sớm nhất có thể. Nội dung kết quả kiểm tra, xác minh phải nêu rõ tính xác thực của các chứng từ và xác định hàng hóa có xuất xứ hay không có xuất xứ tại Nước thành viên và tuân thủ các quy định khác của UKVFTA.

Trong trường hợp có nghi ngờ về việc không nhận được trả lời kiểm tra, xác minh từ cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu trong vòng 10 tháng kể từ ngày đề nghị kiểm tra, xác minh hoặc việc trả lời kiểm tra, xác minh không đủ thông tin cần thiết để xác định tính xác thực của chứng từ hoặc xuất xứ hàng hóa, cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu được phép từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan, trừ trường hợp ngoại lệ. Trước khi từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan, việc cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu nhận được hay không nhận được đề nghị kiểm tra, xác minh phải được làm rõ.

Trong trường hợp cần nhiều thời gian hơn 10 tháng để thực hiện việc kiểm tra, xác minh và trả lời kiểm tra, xác minh theo quy định, cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu hoặc cơ quan hải quan của nước xuất khẩu thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu được biết.

Bảo mật thông tin

Nước thành viên bảo mật thông tin và dữ liệu thu được trong quá trình xác minh xuất xứ, không tiết lộ thông tin và dữ liệu có thể gây tổn hại đến cá nhân cung cấp thông tin và dữ liệu. Thông tin và dữ liệu được trao đổi giữa cơ quan có thẩm quyền của các Nước thành viên nhằm mục đích quản lý hành chính và xác minh xuất xứ phải được bảo mật.

Thông tư 02/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2021.

TIN LIÊN QUAN