Ngày 9/11, đại diện UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn xã Bình Dương đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi.
Theo đó, các vùng lân cận có nguy cơ bị uy hiếp là xã Bình Minh, Bình Giang, Bình Triều, Bình Phục, Bình Đào và Bình Nguyên. Chính quyền các địa phương đang nỗ lực trong việc xử lý, ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình trên, UBND huyện Thăng Bình yêu cầu trong thời gian có dịch phải tạm dừng tất cả các hoạt động mua bán, giết mổ tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo trên địa bàn xã Bình Dương.
Phòng NN&PTNT phối hợp với trung tâm Kỹ thật nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm thực hiện nghiêm luật Thú y và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tập trung cán bộ kỹ thuật, phương tiện, vật tư, hóa chất hỗ trợ địa bàn có dịch nhằm nhanh chóng khống chế, không để lây lan dịch bệnh.
Đội Kiểm tra liên ngành huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ và phối hợp với các địa phương kiểm tra công tác tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Dịch bệnh tái phát, lây lan sẽ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn của bà con và bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Vì vậy, tại những nơi có dịch, chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện việc tiêu hủy lợn theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là trong phòng dịch và khuyến cáo người dân báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời các trường hợp lợn bị bệnh ngay khi mới phát hiện, không để lây lan diện rộng.
Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch theo quy định của Pháp luật.
Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người, không có mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn...
Những bệnh như tai xanh, cúm, thương hàn... mới gây nguy hiểm cho con người gây ra rối loạn tiêu hóa, khi người ăn phải tiết canh lợn, thịt lợn bệnh chưa được nấu chín.
Đặc biệt, khi lợn bị bệnh tai xanh vi khuẩn liên cầu trú ngụ trong miệng, mũi của lợn sẽ phát triển nếu người có vết thương hở tiếp xúc với lợn sẽ bị vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Khi bị nhiễm khuẩn người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết một số nơi trên cơ thể. Ngoài ra, có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc đường tiêu hóa, nặng hơn có thể bị viêm màng não.