Quảng Nam, Quảng Ngãi khẩn trương dập dịch sốt xuất huyết

(CL&CS) - Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trên địa bàn, chính quyền 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi triển khai nhiều biện pháp để dập dịch.

Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi tăng mạnh

Số ca sốt xuất huyết bùng phát mạnh

Theo đó, tại tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 1/11, đã có 13.713 ca mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết phân bố ở 18/18 huyện, thị xã, thành phố, tập trung cao nhất ở khu vực đồng bằng như: TP Tam Kỳ là 1.839 ca, Thăng Bình là 2.715 ca, Đại Lộc là 1.309 ca, Duy Xuyên là 1.264 ca...

Còn tại Quảng Ngãi, chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 709 ca bệnh, tăng 336 ca so với tháng trước. Để kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch bùng phát, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Quảng Nam cho biết: “Tại BVĐK khu vực Quảng Nam, từ đầu tháng 6 đến nay ghi nhận 202 ca nhập viện, trong đó điều trị khỏi 194 ca, bệnh nặng phải chuyển tuyến trên 8 ca, hiện nay đang là thời gian cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc mới gia tăng”.

Nói về triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết, sốt cao liên tục, kèm theo đau đầu, đau mình mẩy, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ. Còn trường hợp nặng có dấu hiệu như đau bụng dữ dội, nôn liên tục, tiểu ít, chân tay lạnh,… nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Còn Tiến sĩ y khoa Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho hay, Viện Pasteur Nha Trang đã tổ chức giám sát các ổ dịch tại Quảng Nam và kết quả cho thấy, hiện nay virus gây sốt xuất huyết tại Quảng Nam có đủ cả 4 chủng Den 1, Den 2, Den 3 và Den 4.

“Quảng Nam hiện nay tập trung đủ 4 tuýp như vậy, trong đó số ca mắc phải tuýp Den 3 là tuýp dễ gây bệnh nặng và tử vong ghi nhận nhiều. Hiện tại, chúng tôi xác định Quảng Nam đang ở những tuần báo động của đỉnh dịch, trung bình một tuần hiện nay ghi nhận có gần 900 ca mắc. Báo động mức độ lây lan mạnh trong cộng đồng”, ông Kiệm thông tin.

Hai địa phương triển khai nhiều kế hoạch nỗ lực dập dịch

Hai địa phương khẩn trương dập dịch

Hiện nay tại 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn như đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để dịch lan rộng kéo dài; xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn chủ động, tích cực phối hợp ngành y tế trong việc triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy).

Huy động các ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực phối hợp cùng ngành y tế khẩn trương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản hằng tuần.

Phối hợp, hỗ trợ ngành y tế tổ chức phun hóa chất tại các hộ gia đình trong khu vực có ổ dịch; bảo đảm tiến hành đồng bộ các biện pháp theo đúng quy trình của chiến dịch (vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy triệt để trước khi tiến hành phun hóa chất).

Bố trí kinh phí để thực hiện bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương theo đúng quy định.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; tăng cường công tác giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh.

Tăng cường điều tra, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng quy trình, kỹ thuật theo hướng dẫn xử lý ổ dịch của Bộ Y tế.

Xác định, phân tích, đánh giá cụ thể tình hình mắc bệnh tại các địa phương có số ca mắc bệnh cao để khoanh vùng và xử lý ổ dịch; tập trung tại các vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, khu vực đông dân cư, đầu mối giao thông, những địa phương có chỉ số bọ gậy, chỉ số muỗi cao để tập trung các nguồn lực, tăng cường các biện pháp phòng, chống chủ động, tích cực xử lý triệt để, khống chế kịp thời, không để bệnh lây lan trên diện rộng; hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và tử vong.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế, phương tiện, trang thiết bị, khu vực cách ly, bố trí nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng.

Củng cố và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các cơ sở khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn.

TIN LIÊN QUAN