Quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh

(CL&CS) - Chiều 12/3, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ nhằm thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại đầu năm 2021. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo

Trước tình hình đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng từ cuối tháng 01 năm 2021 và lây lan nhanh trên diện rộng do biến thể mới của virút tại một số địa phương, với tinh thần thần tốc chống dịch như chống giặc”, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và các địa phương đã chủ động triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ, sáng tạo, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóavà thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Sản xuất công nghiệp tháng 02/2021 ước tính giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng Hai năm nay ít hơn 8 ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tháng 01/2021 tăng khá so với tháng 01/2020 (tăng 22,5%) nên tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,85 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,74 tỷ USD, tăng 23,7%, nhập khẩu đạt 47,11 tỷ USD, tăng 25,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 02 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,64 tỷ USD.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và dịch Covid-19 diễn ra tại một số địa phương trong tháng 02/2021 làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng giảm so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 ước tỉnh đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 354,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% và tăng 10,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% và giảm 0,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 915 tỷ đồng, giảm 40,8% và giảm 60,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, giảm 12,6% và tăng 2,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 722,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm.

Trong tháng 3 và những tháng tiếp theo của năm 2021, Bộ Công thương sẽ thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh;

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19.

Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch…

TIN LIÊN QUAN