Phục hồi và tăng tốc để đạt mục tiêu nhiệm kỳ, ổn định đời sống nhân dân

(CL&CS) - Một Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã được trình Chính phủ.

Nói về Chương trình phục hồi này, TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương lưu ý rằng chương trình này được xây dựng trong bối cảnh trưởng kinh tế quý 3/2021 giảm sâu chưa từng có, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang suy giảm (tiêu dùng liên tục giảm mạnh, chỉ số PMI công nghiệp chế biến - chế tạo giảm sâu. Giải ngân đầu tư công thấp, đầu tư tư nhân tăng chậm. Doanh nghiệp đăng ký mới giảm sâu, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng mạnh). Vùng động lực phía Nam đang yếu dần.

 Vì thế cần một chương trình phục hồi có quy mô lớn và đối tượng hỗ trợ rộng để phục hồi và tăng tốc.

Trọng tâm là kích cầu, tăng tổng cầu của nền kinh tế

Theo như ý kiến của TS.Nguyễn Đình Cung thì chương trình phục hồi và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế này nên thực hiện trong thời gian 3 năm 2022-2024 với mục tiêu tổng quát là nhanh chóng phục phục hồi và tăng tốc tốc độ tăng GDP để đạt mục tiêu nhiệm kỳ (các mục tiêu khác đã có trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững, đề án kinh tế độc lập, tự chủ).

Chương trình phục hồi hướng tới  2 mục tiêu cụ thể là: Hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân, nhất là nhóm dân cư chịu tác động mạnh do Đại dịch Covid19; Và phục hồi và gia tăng sức mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhanh chóng phục phục hồi và tăng tốc tốc độ tăng GDP để đạt mục tiêu nhiệm kỳ

Vị chuyên gia này cho rằng cần đặt ra 3 yêu cầu cho chương trình này. Đó là : Giải pháp cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện; Triển khai thực hiện thống nhất; Có kiểm tra, giám sát và đánh giá.

Giải pháp trọng tâm là của Chương trình là kích cầu, tăng tổng cầu của nền kinh tế (trước mắt); và cũng cố, gia năng lực tăng phía cung(trung hạn) để duy trì tăng trưởng cao, bền vững trong nhiệm kỳ, tạo đà tốt cho nhiệm kỳ 2026-2030

 “Nguyên tắc và yêu cầu của Chương trình này là phải triển khai nhanh, có tác động ngay, các chính sách hỗ trợ không quá 2 năm và chính sách kích cầu không kéo dài, giải pháp phải cụ thể và khả thi để thực hiện được ngay. Và cũng phải chấp nhận có sai sót trong thực hiện.  Quy trình và cách thức thực hiện cũng phải đổi mới, không dựa chủ yếu vào giấy tờ và thủ tục hành chính truyển thống, không qua quy trình phê duyệt hành chính”, ông Cung nêu quan điểm.

Đồng thời là đổi mới quan điểm, cách thức giám sát, đánh giá: giám sát, dánh giá theo mục tiêu, mức độ đạt mục tiêu, bỏ qua, hay không nhấn trọng tâm vào một số sai sót kỹ thuật, vụ việc của quá trình thực hiện.

Theo nội dung đã trình Chính phủ thì Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gồm: Chính sách giảm thuế, giảm lãi suất, cấp bù lãi suất cho vay của một số ngành, tạo cơ chế cho Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước (SCIC) mua lại, đầu tư vào các doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng đang gặp khó khăn.

Mục tiêu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, thúc đẩy dùng nguyên liệu trong nước và chuyển đổi số.

Chương trình có một số chính sách mới như giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ cho mục đích kích cầu tiêu dùng, cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về trước…

Chương trình phục hồi cũng có chính sách đặc biệt hỗ trợ với các ngành chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh như hàng không, du lịch, nông - lâm nghiệp và thủy sản, khởi nghiệp sáng tạo…

5 trụ cột để kinh tế phục hồi

Trao đổi với Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng Chương trình này phục hồi nên thực hiện trong các năm 2022-2024 với 5 trụ cột chính. Trụ cột thứ nhất là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế.  

Hai là: Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh vượt qua đại dịch với các chính sách hỗ trợ thanh khoản, miễn giảm các loại phí không phụ thuộc vào kết quả và mức độ kinh doanh như phí cảng biển, tiền thuê đất, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, ký quỹ du lịch trong năm2022,.v.v.. và nên miễn các khoản thuế đang hoãn nộp theo các nghị quyết hiện hành của Chính phủ và Quốc hội.

Bên cạnh giải pháp cho chuyển lỗ ròng phát sinh trong năm tài chính 2020, 2021 về năm 2018, 2019 là  một chương trình tín dụng đặc biệt (hỗ trợ lãi suất) cho vận tải hành khách hàng không và du lịch.

Thứ ba là kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong đó nên tăng thêm vốn đầu tư công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng, và phát triển hạ tầng số và kích cầu đầu tư tư nhân. Chuyển các dự án PPP thành đầu tư công 100%.

Để kích cầu đầu tư tư nhân, các giải pháp được đưa ra là miễn thuế thu nhập 2 - 3 năm kế từ khi có lợi nhuận đối với tất cả các khoản đầu tư nâng cấp  thiết bị, dây chuyển sản xuất hay mở rộng quy mô sản xuất, hoặc đầu tư mới thực hiện trong  2022-2023 tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội…

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3-5 năm đối với đầu tư chuyển đổi số, phát triển mô hình kinh doanh mới kinh tế số…  

Giảm 2 năm  thời hạn trích khấu hao tài sản cố định tối thiểu đối với tài sản, các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong năm 2022 và năm 2023

Để kích cầu tiêu dùng, nghiên cứu mở cửa du lịch nội địa an toàn và thí điểm mở cửa thị trường du lịch quốc tế, tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế trước quý III/2022.

Giảm thuế GTGT từ 1 đến 2 điểm % đối với các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và  hoãn nộp thuế GTGT trong năm 2022 đối với dịch vụ du lịch, nhà hàng ăn uống, lưu trú và các loại dịch vụ vui chơi, giải trí,.v.v….

Thứ tư là hỗ an sinh xã hội và đào tạo lại lao động mất việc làm trong các năm 2020-2021.

Thứ năm là cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Cung cũng mong Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành chương trình cải cách hành chính tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại. Đồng thời phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, và lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

 Và quan trọng nhất là, “cần có đồng thuận chính trị trước thách thức chưa từng có mà đất nước đang trải qua này để thực hiện thành công chương trình phục hồi kinh tế”, ông Cung nói. 

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN