Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13928:2023 - Mực in bao bì thực phẩm

(CL&CS) - Ngày 14/5, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13928:2023 Mực in bao bì thực phẩm – Yêu cầu chung.

Hội nghị là cơ hội để các đơn vị quản lý, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh gặp gỡ trao đổi thuận lợi, khó khăn trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn.

Tham dự hội nghị có ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, viện, trường.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phùng Mạnh Trường cho biết, năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn TCVN 13928:2023 Mực in bao bì thực phẩm. Đây là tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về bao bì có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Chúng đảm bảo bao bì được in ấn bằng các loại mực phù hợp, không gây hại cho sức khỏe và đảm bảo yêu cầu của môi trường, tính thẩm mỹ.

Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.

“Hội nghị là dịp quan trọng để thảo luận tiến triển mới nhất trong lĩnh vực in cho bao bì thực phẩm, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các nước, khám phá ứng dụng tiềm năng công nghệ mực in mới, xu hướng thị trường đang diễn và chiến lược tiếp thị thông minh nhằm nâng cao giá trị thực phẩm. Việc giới thiệu tiêu chuẩn đánh dấu cột mốc quan trọng của các thành viên ban kỹ thuật, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp… đã tham gia xây dựng tiêu chuẩn thời gia qua”, ông Trường nhấn mạnh.

Tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Xuân – Trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng 3 – Viện TCCLVN đã giới thiệu nội dung tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13928:2023 Mực in bao bì thực phẩm – Yêu cầu chung. Theo đó, TCVN 13928:2023 xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn IS 15495:2020 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 130 Công nghệ đồ họa biên soạn, Viện TCCLVN đề nghị, Tổng cục TCĐLCL thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Theo bà Xuân, về phạm vi áp dụng, tiêu chuẩn quy định các yêu cầu chung đối với mực in sử dụng trên bao bì thực phẩm. Về các yêu cầu, thành phần của mực in không thôi nhiễm vào thực phẩm với những lượng có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người, ảnh hưởng tiêu cực đến đặc tính cảm quan hoặc thay đổi về bản chất, các chất và/hoặc chất lượng của thực phẩm.

Mực in phải được pha chế bằng cách sử dụng vật liệu an toàn, không độc hại, không được phân loại là chất gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư, gây biến đổi gen và độc hại cho sinh sản (CMR) như quy định trong A.1. Không sử dụng các hợp chất hóa học quy định tại Phụ lục A. Tổng hàm lượng chì, cadimi, thủy ngân và crom (VI) trong mực in không được vượt quá 100 mg/kg.

 Nguyễn Thanh Xuân – Trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng 3 – Viện TCCLVN.

Về bảo quản và ghi nhãn, mực in được tồn chứa trong vật chứa phù hợp, bảo quản nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Ghi nhãn mực in theo quy định hiện hành, bao gồm ít nhất các thông tin sau: Tên sản phẩm hàng hóa; Tên và địa chỉ nhà sản xuất; Khối lượng tịnh; Thời gian sản xuất/sử dụng.

Quy tắc thực hành: Các nhà sản xuất mực in phải đảm bảo mực được pha chế phù hợp các yêu cầu tại 4.2 và 4.3; Dự kiến sẽ thực hiện tất cả biện pháp phòng ngừa cần thiết để đáp ứng yêu cầu về an toàn theo tiêu chuẩn này; Tuy nhiên, vì họ không có quyền kiểm soát tổng thể đối với quá trình in ấn hoặc gói/đóng gói thực tế, trách nhiệm cuối cùng đảm bảo thực phẩm không bị hư hỏng hoặc suy giảm chất lượng thuộc về người đóng gói thực phẩm.

Các nhà sản xuất mực in phải thông báo cho nhà in và hướng dẫn người mua mực in: Sự phù hợp của loại mực đối với các bao gói thực phẩm và tiêu chuẩn áp dụng bất cứ khi nào nếu cần; Phải cung cấp thông tin liên quan cho nhà in để tạo điều kiện cho nhà in thực hiện đánh giá sự phù hợp về an toàn (ví dụ: cung cấp các thông tin về thành phần có thể gây mất an toàn trong công thức pha chế mực in…).

Các diễn giả trình bày tại hội nghị.

Thông thường, không nên để bề mặt bao bì được in tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và mực in cho bao bì thực phẩm phải in lên mặt ngoài của bao bì. Khi đó bản thân bao bì sẽ tạo thành lớp ngăn cách giữa mực in và thực phẩm. Quá trình in trên bao bì phải đảm bảo thực hiện trong điều kiện phù hợp nhất để tránh các lỗi có thể gây dính mực không mong muốn trên bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (chẳng hạn như lỗi dính mực ngược “set-off”)”.

Tại hội nghị, các diễn giả đã có tham luận liên quan đến sự cần thiết quy định tiêu chuẩn cho mực in bao bì thực phẩm và thực trạng; Thực hành về tiêu chuẩn mực ở Ấn Độ; Cam kết của chủ thương hiệu về việc đóng gói an toàn; Vật liệu tiếp xúc thực phẩm – quản lý con dấu – quan điểm toàn cầu, cam kết sản xuất mực in để đảm bảo an toàn cho bao bì.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra phần trao đổi, thảo luận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13928:2023. 

TIN LIÊN QUAN