Phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp

(CL&CS) - Hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng các TCVN về truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt hiểu rõ việc áp dụng các TCVN để thực hiện tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu.

Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 20/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, hoạt động phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã được thực hiện thường xuyên. Kết quả trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020 đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng cho gần 5.000 tổ chức, doanh nghiệp áp dụng 883 TCVN và 18 QCVN trong nhiều lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tiếp tục hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia trong nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng và phổ biến hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia phục vụ hoạt động nâng cao năng suất chất lượng năm 2022” thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã xây dựng tài liệu phổ biến, hướng dẫn áp dụng 20 TCVN gồm các TCVN mới được công bố; phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước; thuộc nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực; nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; nhóm sản phẩm hàng hóa đang được xã hội và doanh nghiệp quan tâm như: xe điện, an toàn quang sinh học, hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc....

Trong đó, hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng các TCVN về truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt hiểu rõ việc áp dụng các TCVN để thực hiện tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu.

Ảnh minh họa.

Hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm khi xuất khẩu sản phẩm hàng hóa. Truy xuất nguồn gốc trong tương lai sẽ được xây dựng như một hàng rào phi thuế quan. Để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam giữ vững vị thế và phát triển trên thị trường mới, việc thực hiện áp dụng các TCVN về Truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa là rất quan trọng, nhất là sản phẩm nông sản, thủy sản, dược phẩm đang được chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Ngày 19/01/2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố gần 30 TCVN và đang tổ chức xây dựng hơn 10 TCVN phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong các lĩnh vực thuốc hóa dược, sản phẩm thủy sản, rau quả tươi, cà phê, ca cao, thuốc lá, rượi bia, sản phẩm hàng đông lạnh, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm....

Năm 2022-2023 hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng các TCVN về truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng thuốc hóa dược và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm giúp doanh nghiệp hiểu và áp dụng thống nhất TCVN trong thực tế tại doanh nghiệp là cần thiết.

Truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng thuốc hóa dược được quy định trong TCVN 13258:2020 quy định yêu cầu đối với các bên tham gia truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thuốc hoá dược. Các bên tham gia chuỗi cung ứng thuốc hóa dược bao gồm: Nhà sản xuất nguyên liệu thô/ thành phần hoạt chất dược phẩm; Nhà sản xuất thuốc hoá dược; Đơn vị đóng gói và đóng gói lại; Nhà phân phối, nhà bán buôn và nhà bán lẻ; Đơn vị cấp phát thuốc cho bệnh nhân.

Việc áp dụng TCVN 13258 phải áp dụng đồng thời với tiêu chuẩn TCVN 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc. Về nguyên tắc áp dụng các bên tham gia chuỗi cung ứng phải đáp ứng yêu cầu chung quy định trong TCVN 12850:2019.

Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thuốc hoá dược phải định danh đơn nhất vật phẩm có thể truy xuất, các bên và địa điểm. Mã truy vết vật phẩm phải được truyền đạt trong các tài liệu thương mại có liên quan. Giữa các đối tác thương mại phải có sự thống nhất về vật phẩm truy xuất, nguyên tắc mã hoá, trách nhiệm ghi nhận và lưu giữ thông tin để đảm bảo các bên cùng truy xuất một đối tượng. Các đối tác thương mại phải xác định ít nhất một cấp độ vật phẩm truy xuất cho từng chuyến hàng.

Để thực hiện truy xuất nguồn gốc thuốc hoá dược cần xác định thế nào là chuỗi cung ứng thuốc hoá dược, các thành phần của việc triển khai truy xuất nguồn gốc thuốc hoá dược và dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc gồm các thông tin về: bên thực hiện [Định danh + các phần tử dữ liệu]; Địa điểm [Định danh + các phần tử dữ liệu]; Ngày tháng/thời gian; Vật phẩm có thể truy xuất [Định danh + các phần tử dữ liệu]; Quá trình hoặc sự kiện [Định danh + các phần tử dữ liệu]; Các dữ liệu truy xuất nguồn gốc được ghi nhận theo thời điểm thực tế. Các dữ liệu truy xuất nguồn gốc có thể là dữ liệu chính hoặc dữ liệu sự kiện.

Truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm được quy định trong bộ TCVN 13166 gồm các yêu cầu chung nhất đối với truy xuất chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm và yêu cầu cụ thể đối với từng sản phẩm cụ thể như thịt trâu bò, thịt lợn, thịt gia cầm: TCVN 13166-1:2020 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm – Phần 1: Yêu cầu chung; TCVN 13166-2:2020 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm – Phần 2: Thịt trâu và thịt bò; TCVN 13166-4:2020 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm – Phần 4: Thịt lợn; TCVN 13166-5:2020 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm – Phần 5: Thịt gia cầm.

Bộ TCVN 13166 đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm (bao gồm thịt tươi, thịt mát, thịt đông lạnh) để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc. Các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác định trong tiêu chuẩn này đối với chuỗi cung ứng thịt bao gồm: cơ sở chăn nuôi; cơ sở vận chuyển; cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế, chế biến; nhà phân phối; cơ sở bán lẻ.

Việc áp dụng bộ TCVN 13166 phải đáp ứng nguyên tắc chung nêu trong TCVN 12850:2019, phải có sự thống nhất giữa các đối tác thương mại về vật phẩm có thể truy xuất, điều này đảm bảo để các bên cùng truy xuất xuôi một đối tượng. Mỗi đối tác thương mại phải xác định ít nhất một cấp độ vật phẩm có thể truy xuất cho từng chuyến hàng, việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối yêu cầu phải thực hiện có hiệu quả các quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài. Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của vật phẩm có thể truy xuất (nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”).

Điều này đòi hỏi các đối tác thương mại thu thập, lưu trữ và chia sẻ các thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc. Để có hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả trên toàn bộ chuỗi cung ứng tất cả các vật phẩm cần truy xuất xuôi hoặc cần truy xuất ngược đều phải được định danh đơn nhất toàn cầu; tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cần thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc nội bộ và bên ngoài. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nội bộ phải đảm bảo duy trì được những mối liên kết cần thiết giữa đầu vào và đầu ra.

Để thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm cần xác định vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và áp dụng đối với hệ thống phân cấp sản phẩm; trao đổi dữ liệu gốc về sản phẩm với các đối tác thương mại; cập nhật hệ thống sản xuất và các thủ tục để liên kết nguyên liệu đầu vào với vật phẩm có thể truy xuất; các thuộc tính dữ liệu tối thiểu để thu thập, lưu giữ và chia sẻ với các đối tác thương mại; áp dụng loại mã vạch phù hợp cho vật phẩm lưu thông và tiêu dùng; các biện pháp thực hành khác đối với sản phẩm chuyển đến cơ sở bán lẻ và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; các yêu cầu của đối tác thương mại và của nước nhập khẩu; các yêu cầu cụ thể đối với các loại thịt gia súc và gia cầm.

TIN LIÊN QUAN