Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, ông cho biết cụ thể hơn về những đánh giá này?
Với trị giá là 498 tỷ USD năm 2023 thì Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance xếp hạng là 33 trong Top121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Kết quả này thể hiện giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Với bước chạy đà và mức tăng trưởng ấn tượng như vậy, các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo để nâng cao sức cạnh tranh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam là gì, thưa ông?
Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp để triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Mục tiêu là hướng tới xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh của quốc gia Việt Nam. Từ đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với mục tiêu đó, giải pháp đầu tiên là cần nâng cao nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và toàn thể người dân về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Việt Nam đã được thế giới ghi nhận xuất khẩu rất nhiều sản phẩm với số lượng trị giá đứng thứ nhất, thứ hai thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm xuất khẩu chưa được gắn với câu chuyện thương hiệu mà hầu hết chỉ chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm mới qua sơ chế. Do đó, khi xuất khẩu, sản phẩm Việt phải đứng dưới tên một thương hiệu của quốc gia khác.
Nhóm giải pháp thứ hai hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có năng lực xây dựng và quản trị, phát triển thương hiệu sản phẩm. Khi hình thành thương hiệu mạnh đồng nghĩa với việc gia tăng giá giá trị xuất khẩu. Thống kê cho thấy xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp chính vào tỷ trọng xuất khẩu. Với việc phát triển các thương hiệu mạnh, giá trị sản phẩm được nâng cao kỳ vọng sẽ đóng góp một phần vào việc tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chí.
Theo ông để xây dựng và phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cần tập trung vào những yếu tố nào?
Chủ đề Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 là “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”. Giá trị cốt lõi của chương trình thương hiệu quốc gia gồm ba nhóm giá trị chính: Chất lượng – đổi mới sáng tạo – tiên phong.
Đầu tiên là chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quyết định giá trị thương hiệu sản phẩm. Với đổi mới sáng tạo, cần phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững… Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu mạnh phải mang tính tiên phong. Trong cùng lĩnh vực ngành hàng, thương hiệu này mạnh hơn các thương hiệu khác đó chính là yếu tố tiên phong. Tiên phong thể hiện uy tín của người đứng đầu thương hiệu, sở hữu thương hiệu, sản phẩm, tiềm lực về tài chính, đầu tư và dẫn dắt…
Tổng hòa 3 giá trị cốt lõi trên sẽ mang lại một thương hiệu mạnh.
Việt Nam đã và đang hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Sản phẩm chúng ta có rất nhiều lợi thế về ưu đãi về thuế quan, về thâm nhập thị trường. Vì thế để thâm nhập, có chỗ đứng và phát triển tốt tại các thị trường quốc tế thì doanh nghiệp phải xây dựng mạnh thương hiệu của mình.
Xin cảm ơn ông!