Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những đánh giá của mình về 20 năm phát triển thị trường vốn vừa qua, đồng thời gợi mở những giải pháp, tầm nhìn cho kỷ nguyên mới. Diễn đàn đặc biệt sôi động và mở rộng góc nhìn ở nội dung thảo luận trực tiếp về tương lai thị trường, với người chủ trì chương trình kết nối là TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa, nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp; mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao. Trong khi đó hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trên thị trường tín dụng, các chính sách cần duy trì môi trường lãi suất thấp, đồng thời với việc phải củng cố uy tín, độ tin cậy của Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo vệ ổn định giá cả và điều hành chính sách tiền tệ
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thì đánh giá, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước. Đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm tại đa số các doanh nghiệp nhà nước, là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho rằng, 20 năm qua, TTCK Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển TTCK tới đây.
Việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.
Ở góc nhìn của chuyên gia độc lập, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn VN là rất lớn. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý. Ông Cấn Văn Lực dự báo, con người và công nghệ là 2 đột phá cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn HAPACO, doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc niêm yết trên TTCK Việt Nam chia sẻ, trước khi có thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp chỉ có một cửa duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng. Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, HAPACO và rất nhiều doanh nghiệp khác đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó, mở rộng đầu tư, mở rộng cổ đông, đối tác, mở rộng quy mô thị trường.
Từ Công ty Giấy Hải Phòng nhỏ bé, khi cổ phần hóa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 1,08 tỷ đồng, đến nay HAPACO đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với khi chưa cổ phần hóa. HAPACO cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân khác, đều mang trong tâm khát vọng phát triển, tạo ra việc làm cho người lao động, phát triển địa phương nơi mình làm việc và góp sức phát triển Đất nước. “Chúng tôi cần thị trường vốn phát triển để giúp các doanh nghiệp gọi được vốn và vươn lên”, ông Đức Hậu nói.
Liên quan đến triển vọng đầu tư trong thập niên mới, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt – Công ty Chứng khoán nhận giấy phép số 1 tại Việt Nam, dự báo, Kỷ nguyên 4.0 sẽ thay đổi phương thức các ngân hàng đầu tư, các công ty chứng khoán, cac quỹ đầu tư tương tác với khách hàng, mô hình kinh doanh truyền thống sẽ thay đổi. Cùng với đó rất nhiều công việc tương lai máy tính sẽ làm thay cho con người. Sự gia tăng của tự động hoá trong ngành tài chính không chỉ thay đổi tốc độ và hình thức của thị trường chứng khoán. Trong thực tế, nó cũng đòi hỏi sự thay đổi về chức năng thị trường, những tác động đối với nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp và sự ổn định tài chính. Theo ông Phạm Tiến Dũng, lĩnh vực bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe và quản lý tài sản sẽ có sự phát triển vượt bậc trên thị trường vốn Việt Nam trong thập niên mới.
Sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, khi mà kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.