Tập trung phát triển nhiều sản phẩm chủ lực
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản giữ vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế ở hầu hết cả nước, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam khi có tới 80% dân số sống bằng nghề nông. Ngay cả những nước có nền công nghiệp phát triển cao như Israel, Hà Lan, Pháp... rất coi trọng nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nền kinh tế.
Mô hình trồng rau màu của HTX Nông nghiệp Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú (ảnh Minh Mừng)
Nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao v.v.v... nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam với thị trường trong và ngoài nước.
Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, tỉnh Bến Tre đã cụ thể hóa và tổ chức triển khai hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tích cực.
Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân năm 2024, với chủ đề “Phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế” gần đây, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã thông tin một số kết quả nổi bật cụ thể trong thời gian qua. Cụ thể, về xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 18.558ha vùng sản xuất dừa (chiếm 24% diện tích dừa toàn tỉnh). 17.187ha dừa hữu cơ (chiếm 22,2% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó có 9.737ha được chứng nhận dừa hữu cơ. Xây dựng thí điểm 5 vùng sản xuất dừa tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ. 1 vùng sản xuất tập trung dừa uống nước. 32 tổ hợp tác (THT), 28 hợp tác xã (HTX) trong vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa, với quy mô 5.648ha và 6.226 thành viên.
Đối với vùng sản xuất bưởi da xanh, đến nay, có 7 THT, 12 HTX hình thành 19 liên kết, với doanh nghiệp đầu ra; đã cấp 13 vùng trồng bưởi da xanh, với diện tích 180ha. Hiện có 330,98ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác của tỉnh như: chôm chôm, nhãn, con bò, con heo, con tôm, hoa kiểng... được tỉnh tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là điều kiện quan trọng để những sản phẩm như: dừa, bưởi nói chung và bưởi da xanh... được nhập khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu.
Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Vị thế, vai trò của người nông dân ngày càng được phát huy. Nông dân trở thành chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh khẳng định, để đạt những kết quả nêu trên là công sức chung của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh. Trong đó, có sự đóng góp tích cực, to lớn, hiệu quả của người nông dân trong tỉnh. Nông dân trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ còn gặp phải những khó khăn và hạn chế. Tình trạng nông sản được mùa mất giá; giá vật tư đầu vào cao; giá nông sản đầu ra thấp, mất cân đối thu nhập, gây khó khăn cho đời sống nông dân.
Các vấn đề về nước tưới tiêu và nước sinh hoạt ở nông thôn đang còn nhiều khó khăn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; những khó khăn khi thực hiện chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; vấn đề sâu đầu đen hại dừa; hạn mặn ảnh hưởng ngày càng nhiều đến sản xuất nông nghiệp… đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Ngành ngân hàng cần có giải pháp nào để đáp ứng nguồn vốn sản xuất cho nông dân và để hỗ trợ HTX, THT tiếp cận nguồn vốn vay tốt hơn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nông dân còn quan tâm các vấn đề về sản xuất xanh, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển HTX, THT. Xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả làng nghề. Việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cây dừa, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh…
Khó khăn về vốn: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn lớn để đầu tư, phát triển. Thực tế cho thấy để phát triển trang trại chăn nuôi trung bình theo mô hình công nghệ cao chi phí gấp 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu hụt vốn đầu tư đang là rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp: Nguồn nhân lực nông nghiệp là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song hiện nay ở tỉnh Bến Tre đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Phần lớn người nông dân không đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất; thiếu kiến thức hội nhập quốc tế, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, kinh doanh, thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin...
Đất đai manh mún, nhỏ lẻ: Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cần phải có đất đai quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông.
Thị trường tiêu thụ bấp bênh: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra khối lượng nông sản lớn, đòi hỏi thị trường tiêu thụ phải được mở rộng. Tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng nhìn chung thị trường chưa đa dạng, hạn hẹp, không ổn định, bị phụ thuộc vào một hai khu vực. Nông nghiệp hữu cơ năng suất thấp, giá thành cao, khó tiêu thụ.
Vấn đề nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn yếu: Mục tiêu lớn nhất của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao nên vấn đề công nghệ cao phải đặt lên hàng đầu. Nhưng thực tế năng lực nội sinh lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giải pháp hướng tới ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững
Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh, mạnh và bền vững, các sở, ngành tỉnh Bến Tre cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với bà con nông dân, hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, đưa kinh tế nông nghiệp trở thành “bệ đỡ” vững chắc cho kinh tế - xã hội tỉnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các cấp tiếp tục, kiên trì, bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng và Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững.
Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của phát triển nông nghiệp xanh, sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao vai trò làm chủ của nông dân, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng đến một mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái và vì sức khỏe cộng đồng.
Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với xu hướng của thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực phục vụ nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông để mở rộng thị trường tiêu thụ (cả trong tỉnh và ngoài tỉnh), đi đôi với xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa. Thực hiện liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thương hiệu phát triển bền vững. Gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vừa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Có chính sách khuyến khích thúc đẩy các đề tài nghiên cứu, sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Thực hiện cơ chế “đặt hàng” trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giữa tỉnh với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh để phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao.
UBND tỉnh Bến Tre cần có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức khoa học - công nghệ đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu...) trên đất nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân có cơ sở vay vốn; thực hiện cấp giấy xác nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; các ngân hàng thương mại phải nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Quan tâm bố trí tăng thêm nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành nông nghiệp, nhất là các nội dung liên quan đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ; liên kết trong sản xuất; phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.