Phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh phân bón tại Tiền Giang

(CL&CS) - Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, vi phạm nhãn.

Thông tin từ Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, trong ngày 19/12/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội QLTT số 6 chủ trì kiểm tra đột xuất tại 02 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Đoàn kiểm tra lấy 03 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, có 02 mẫu là hàng giả và 01 mẫu không đảm bảo chất lượng.

Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng.

Đồng thời, Đoàn ghi nhận các cơ sở này còn vi phạm quy định về nhãn hàng hóa như: các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó, có nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị, vào các ngày 26 và 29/01/2024 cả 02 cơ sở vi phạm đã bị Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang và Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đã nêu với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng. Tổng trị giá lô hàng vi phạm gần 75 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, các hộ kinh doanh đã nộp phạt theo quy định.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón từ hơn 1.000 cơ sở sản xuất. Trong đó, 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Từ số liệu trên cho thấy, phân bón giả, kém chất lượng đã hoang phí biết bao tiền bạc, mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng, biết bao gia đình không thể vượt qua cảnh nghèo túng, bao nhiêu diện tích đất đai cằn cỗi thêm mỗi mùa vụ.

Không chỉ thiệt hại về tiền, theo các chuyên gia nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng còn làm cho đất không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng đến 2-3 năm sau sẽ hư tổn và khó phục hồi. Phân bón giả, kém chất lượng thường sử dụng những hóa chất, nguyên liệu không phải chất dinh dưỡng để sản xuất. Do vậy sẽ đưa vào đất chất độc hại làm thoái hóa đất, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

TIN LIÊN QUAN