Nỗi nhọc nhằn của 4 y tá trong thời dịch Covid-19

(CL&CS) - Tính đến thời điểm 7h ngày 15/5, toàn thế giới có 4.510.972 người nhiễm virus SARS CoV-2 (Việt Nam vẫn 288), 308.779 ca tử vong, đại dịch Covid-19 đã khiến công việc của giới y tá trở thành tâm điểm chú ý.

Ngày Y tá Thế giới được tổ chức vào 12/5 - ngày sinh của người sáng lập ngành y tá hiện đại Florence Nightingale. Để đánh dấu ngày này, BBC News đã nói chuyện với các y tá làm việc ở bốn lục địa khác nhau, để tìm hiểu về những thách thức mà họ gặp phải trong trận chiến chống lại virus nguy hiểm SARS CoV-2.

Elena Pagliarini

Elena Pagliarini đã gói gọn sự khốc liệt mà đại dịch tàn phá (Ảnh: Elena Pagliarini/Reuters)

Italia đã trở thành biểu tượng của một đất nước bị choáng ngợp: một bức ảnh của một y tá đeo khẩu trang bị kiệt sức ngủ gục trên máy tính. Italia đã bị virus SARS CoV-2 tấn công - quốc gia phương Tây đầu tiên bị tấn công nặng nề, và hình ảnh của nữ y tá Elena Pagliarini đã gói gọn sự khốc liệt mà đại dịch tàn phá.

"Đó là một tình huống bi kịch" - Elena nói với phóng viên BBC News - "Một số bệnh nhân đã chết trước mặt tôi. Chúng tôi làm việc suốt đêm. Lúc 6 giờ sáng, tôi dừng lại và thiếp đi một lúc trên bàn và một bác sĩ đã chụp bức ảnh này. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời".

Elena nói rằng cô đã không nhận ra tầm quan trọng của bức ảnh cho đến khi cô được các nhà báo và những người không quen biết liên lạc.

"Tôi nhận ra bức ảnh trở nên quan trọng hơn chỉ khoảnh khắc nó chụp. Nó rất cảm động nhưng cũng rất gây bất an".

Đến giữa tháng 3, khi các bệnh viện ở miền Bắc Italia đang ở thời điểm đại dịch bùng nổ và hàng trăm người chết mỗi ngày, bản thân Elena bị nhiễm bệnh, mất khứu giác và vị giác. Cô ở nhà 23 ngày và trở lại làm việc vào ngày 2/4, khi Italia đạt đến đỉnh điểm của sự bùng phát.

Kể từ đó, sự lây nhiễm đã giảm đáng kể và tỷ lệ chăm sóc đặc biệt đã giảm xuống mức có thể kiểm soát được. Italia đã bắt đầu giảm bớt tình trạng phong tỏa - lâu nhất thế giới.

"Bây giờ chúng tôi đang ở giai đoạn hai" - Elena nói - "Chúng tôi vẫn có bệnh nhân mới nhưng các triệu chứng nhẹ hơn: đau họng, mất nước, đau đầu mạnh - không phải là tình huống khẩn cấp".

Ít nhất 160 nhân viên y tế đã chết ở Italia – họ được coi là những anh hùng của trận chiến này.

"Tôi tự hào về công việc của mình" - Elena nói - "Bức ảnh đó chỉ cho thấy hình ảnh của tôi, nhưng nó nên đại diện cho tất cả y tá và bác sĩ. Họ hơn 70 tuổi và đã sống sót”.

Gabriela Serrano

Nữ y tá Gabriela Serrano (Gabriela Serrano)

Nay 31 tuổi, cô là một y tá làm việc tại Mỹ, có những kỷ niệm đẹp về ngày cô nhìn thấy bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của mình xuất viện.

"Bà ấy đã rất hạnh phúc khi tôi đẩy bà ra khỏi bệnh viện".

Gabriela đã làm nghề y tá được bảy năm. Trong đại dịch, cô làm việc trong một bệnh viện ở ngoại ô San Francisco.

"Hai bệnh nhân Covid-19 mà tôi đang chăm sóc có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và trên 70 tuổi. Tuy nhiên, họ vẫn sống sót. Điều này mang lại cho tôi hy vọng".

Gabriela đã chứng kiến ba trường hợp tử vong trong hai tháng qua. Cô mô tả cách chăm sóc một người phụ nữ sắp chết.

"Bà ấy đã có chút phản ứng vào ngày đầu tiên nhưng không bằng lời nói. Tôi đã giải thích mọi thứ tôi đang làm với bà, mặc dù bà không thể nói chuyện lại với tôi".

Ngày hôm sau, bệnh nhân thậm chí không mở mắt. Bệnh viện cho phép người thân thăm viếng trong giờ phút cuối cùng của bệnh nhân.

"Tôi ngồi với bà, nắm tay bà và nói với bà rằng mọi việc sẽ ổn thôi. Tôi đã ở đó. Bà ấy đã có người bên cạnh mình" - Gabriela nói.

Sự làm việc vất vả của Gabriela đã không giúp cô giữ đươc việc. Cô là một y tá du lịch, một tên gọi dành cho những y tá làm việc trong các hợp đồng ngắn hạn. Số người nhập viện nói chung đã giảm, vì mọi người sợ nhiễm virus và nhiều người tránh xa bệnh viện khi cần điều trị không khẩn cấp, vì vậy bệnh viện mà cô đang làm việc đã quyết định chấm dứt việc hợp đồng.

Shanti Teresa

Nữ y tá Shanti Teresa nổi tiếng vì công việc cung cấp những dịch vụ y tế cho các nhóm thổ dân (Shanti Teresa Lakra)

"Vào ngày 24/3, chúng tôi có trường hợp dương tính Covid-19 đầu tiên. Ngay lập tức tôi nghĩ về hai bệnh nhân thổ dân trong bệnh viện của tôi. Tôi yêu cầu họ rời đi" - Shanti Teresa nói.

Shanti nổi tiếng vì công việc cung cấp các dịch vụ y tế cho các nhóm thổ dân đang suy giảm nhanh chóng ở đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ và là người nhận giải thưởng Florence Nightingale, công nhận chuyên môn cao nhất cho các y tá ở Ấn Độ.

Bà đang chăm sóc một cậu bé năm tuổi từ bộ lạc Jarawa bị ảnh hưởng bởi viêm phổi, cũng như một phụ nữ từ bộ lạc Shompen đang tìm cách điều trị sinh sản.

Người Jarawas chỉ liên lạc với thế giới bên ngoài vào năm 1997. Những người săn bắn khỏa thân này sống trong khu bảo tồn rừng cách Port Blair khoảng 80km, nơi Shanti hiện đang làm việc.

Mzwakhe Mohlaloganye

Nam y tá Mzwakhe tận tụy với công việc khó nhọc (Ảnh: Christian Parkinson/BBC)

Mzwakhe, một ông bố 37 tuổi, có hai con, làm y tá được 5 năm và là thành viên của đội Covid-19 di động ở Johannesburg (Nam Phi) trong hai tháng.

Nam Phi đã thực hiện việc "làm phẳng đường cong" rất tuyệt hảo và nhiều người nói rằng xét nghiệm và nhận thức cộng đồng là một phần quan trọng trong thành quả này.

Đội ngũ y tế đã sàng lọc và xét nghiệm trong cộng đồng địa phương, ưu tiên người trên 59 tuổi và những bệnh nhân mãn tính.

Mzwakhe thấy công việc của mình giúp ích xã hội, xem đây là cơ hội để tìm hiểu về căn bệnh.

Tuy nhiên, ban đầu gia đình anh rất dè dặt về vai trò mới này và quan tâm đến sức khỏe của anh.

Phản ánh về những nỗ lực của đội ngũ của mình ở tiền tuyến và công việc của một y tá, Mzwakhe cảm thấy mình đóng một vai trò quan trọng, không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn giúp cứu cộng đồng.

Anh cũng cảm thấy rằng các y tá được đánh giá cao hơn bao giờ hết.

Thủy Tiên

(Theo BBC News)

Nên đọc