Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, trên thực tế và bản án phúc thẩm của TAND TP.Hà Nội về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP và Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng thì Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng đã xây dựng 9 công trình không phép với diện tích xây dựng 7.621 m2 (2 nhà 3 tầng và 7 nhà một tầng).
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị, UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc chậm có ý kiến phương án xử lý 3 lô đất khi cổ phần hóa VIVASO; không phát hiện, kiểm tra, xử lý tình trạng xây dựng trái phép, không phép trên khu đất tại cảng Hà Nội thuộc Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP.
Đến hiện tại, những công trình này vẫn chưa được xử lý và vẫn còn tồn tại trên đất của Cảng Hà Nội. Những công trình không phép này nằm rải rác 2 bên đường Bạch Đằng đoạn từ ngã 3 phố Lãng Yên - Bạch Đằng đến giáp chân cầu Vĩnh Tuy.
Theo thời gian, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Tại một số công trình cửa đóng then cài phía ngoài, bên trong là vật tư xây dựng. Thậm chí, nhiều công trình đã trở thành bãi giữ xe ô tô.
Theo ghi nhận của PV Chất lượng và cuộc sống, Hiện tại, có những công trình “khủng” xây theo kiểu biệt phủ để ở. Một số công trình không phép hiện đang được dùng làm văn phòng công ty.
Được biết, những công trình này được Công ty Sao Nam Sông Hồng xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến trước năm 2015.
Đến năm 2017, Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng mới lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư Công ty Sao Nam Sông Hồng do đã có hành vi xây dựng 9 hạng mục công trình không có giấy phép xây dựng tại cảng Hà Nội.
Các công trình trên được xây dựng trên phần diện tích đất cảng Hà Nội do Tổng công ty vận tải thủy - CTCP và Công ty Sao Nam Sông Hồng hợp tác kinh doanh, trong đó Công ty Sao Nam Sông Hồng góp vốn bằng tiền, tài sản; cảng Hà Nội góp vốn bằng quyền sử dụng đất và các tài sản thuộc quyền quản lý, sở hữu của mình nhằm mục đích xây dựng đồng bộ, phát triển và khai thác dịch vụ du lịch trên sông Hồng và dịch vụ lữ hành, thể thao, giải trí.
Tại thời điểm Cảng Hà Nội bàn giao mặt bằng các khu đất cho Công ty Sao Nam Sông Hồng để thực hiện dự án, trên phần đất bàn giao đã tồn tại một số công trình nhà xưởng của cảng Hà Nội nhưng chưa có tài liệu xác định quy mô cụ thể của từng công trình, nhà xưởng tại thời điểm thực hiện việc bàn giao mặt bằng. Từ đó đến nay, phường đã yêu cầu công ty phải giữ nguyên hiện trạng các công trình sai phạm.
Dưới đây là cận cảnh những biệt phủ xây dựng không phép: