Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cùng các bộ, ngành và cơ quan liên quan để thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đồng thời triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Trong cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các tuyến kết nối với Trung Quốc có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Ông yêu cầu tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải phù hợp với quy hoạch quốc gia và ngành, đảm bảo kết nối với các hạ tầng giao thông khác như hàng không, hàng hải và có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế trong nước cũng như khu vực, bao gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Các cơ quan liên quan đã thảo luận về việc triển khai các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, bao gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Bộ Giao thông vận tải cho biết các Bộ, ngành đang tích cực nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác để sớm triển khai ba tuyến đường sắt này.
Thủ tướng yêu cầu "quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào, dứt việc đó" và phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm".
Ông cũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đồng thời thúc đẩy triển khai các dự án kết nối với Trung Quốc.
Dù chưa có mốc khởi công cụ thể, cả ba dự án đã nhiều lần được bàn thảo tại các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước.
Gần đây, vào ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc tại Bắc Kinh trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt - Trung.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc.
TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực như công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cơ khí, công nghiệp chế tạo và cả năng lượng mới. Vì vậy, rất mong Bộ trưởng Kim Tráng Long quan tâm, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên".
Trước đó, vào tháng 8, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết 14 văn kiện hợp tác, trong đó có dự án đường sắt. Cụ thể, hai bên đã ký Giấy chứng nhận bàn giao hồ sơ quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cùng thời gian này, Chính phủ Việt Nam quyết định hỗ trợ 4 tỷ đồng để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định pháp luật. Nếu không sử dụng hết vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024, sẽ kiến nghị hủy dự toán để giảm bội chi.
Hơn ba tháng trước, vào cuối tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị triển khai sớm ba dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn, bao gồm tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Ông đặc biệt nhấn mạnh cần triển khai nhanh tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài khoảng 380km, với khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa; tàu khách dự kiến đạt tốc độ 160km/h, tàu hàng 120 km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 11,6 tỷ USD
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn dự kiến dài 156km, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng 120km/h, tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.
Tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài 187km, dự kiến khổ đường 1.435mm, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng 120km/h, tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD.