Trồng thử nghiệm cho kết quả tốt, giá trị cao gấp 3 lần cà phê
Từ nhiều năm nay, cây cà phê và một số loại cây công nghiệp như chè, cao su… là những loại cây thoát nghèo và làm giàu cho rất nhiều người dân Tây Nguyên. Thế nhưng, với khoảng 20% số cây cà phê già cỗi nhiều loại sản phẩm đầu ra không ổn định thì thách thức việc làm, thu nhập, thậm chí là đói nghèo có nguy cơ trở lại với không ít bà con Tây Nguyên
Đưa về Việt Nam bắt đầu từ thời điểm năm 2003, 100% cây mắc ca đều sai quả, tỷ lệ sống đến 98%, sản lượng chỉ đứng sau Mỹ. Giống cây cực kỳ kén thổ nhưỡng đã tìm được đất lành và thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên cùng cả nước phát triển vượt bậc.
Do kén khí hậu, hạt mắc ca không có nhiều cạnh tranh trên thị trường |
Trong tình hình 100 ngàn ha cà phê già cỗi cho năng suất thấp và không thể phục hồi, Tây Nguyên cần một loại cây trồng mới cho năng suất tốt để đảm bảo thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.
Sau 20 năm du nhập vào Việt Nam và 10 năm trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy Tây Nguyên rất thích hợp để trồng hạt mắc ca giống chuẩn, sinh trưởng tốt, cho ra hạt đúng kỳ, sản lượng và chất lượng cao.
Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca trên thế giới rất lớn và giá thành của loại sản phẩm này khá đắt. Theo tính toán của các nhà khoa học, trồng mắc ca có thể đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng chè, gấp 3 lần so với cây cà phê. Khu vực Tây Nguyên được đánh giá là có điều kiện sinh thái phù hợp để mắc ca sinh trưởng và cho thu hoạch.
Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn
Nhận định về tiềm năng của hạt Mắc ca, rất nhiều ngân hàng sẵn sàng bỏ vốn cho nông dân vay để trồng loại cây này.
Trước đây có 2 ngân hàng là Agribank và Ngân hàng chính sách Xã hội đang cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca. Ngoài ra, ngân hàng LienVietPostBank khẳng định sẽ cho người nông dân vay tín chấp với vườn mắc ca thời hạn từ 7 – 10 năm với lãi suất dưới 10%. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ cho vay thế chấp bằng vườn mắc ca. Ông Hưởng nhấn mạnh,“Thực tế, với điều kiện của Tây Nguyên thì suất đầu tư cho cây mắc ca cũng rẻ hơn, khoảng 100 triệu/5 năm/ha, chưa có tiền đất. Hiện nay, đa số người nông dân đã có đất và trồng xen canh với cây cà phê, tiêu, chuối thì rất thuận lợi. Trong 5 năm tới, LienVietPostBank sẽ mua bảo hiểm cho người nông dân vay vốn của ngân hàng, theo hướng nếu có rủi ro thì người nông dân cũng không bị mất đất”.
Đề án của LienVietPostBank về thay đổi giống cây trồng – phát triển cây Mắc ca tại địa bàn Tây Nguyên dự báo có thể phát triển Mắc-ca thành một ngành sản xuất hàng hóa có quy mô tương đối lớn, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm Mắc-ca phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ...
Với kinh nghiệm trong việc triển khai thành công Đề án Phát triển Tín dụng Nông nghiệp Nông thôn khu vực Tây Nam Bộ từ năm 2010, tiếp nối bởi Đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ tháng 10/2013, LienVietPostBank dự kiến dành 10.000 tỷ đồng để cho vay hộ nông dân vùng Tây Nguyên thay đổi giống cây trồng.
Đại diện cho Ngân hàng Nhà nước, Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng phạm vi quy mô phát triển cây mắc ca theo hướng rút kinh nghiệm từ các cây nông nghiệp khác. Từ nay đến thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để xây dựng gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với đặc thù của cây mắc ca.
Thông tin thêm về kinh doanh độc giả có thể đọc tại đây.
Ths Đào Thị Thúy Liễu