Nhiều giống lúa mới chất lượng cho năng suất cao

(CL&CS) - Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã thực hiện chuyển giao được nhiều giống lúa mới như Đài thơm 8, OM 18, ST 25... đạt kết quả cao được sử dụng rộng rãi, cho năng suất cao.

Thông tin với báo chí, ông Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Thuận cho biết, bên cạnh việc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh nghiên cứu lai tạo tuyển chọn các giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia trước đây thì gần đây đã tiếp tục lai tạo tuyển chọn các giống lúa được công nhận khu vực hoá, sản xuất thử như TH41, ML29, ML107...

Nhiều giống lúa mới chất lượng cho năng suất cao

Ngoài ra ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện chuyển giao được nhiều giống lúa mới như Đài thơm 8, OM 18, ST 25... đạt kết quả cao được sử dụng rộng rãi, cho năng suất cao; chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn; giá thành thu mua các giống lúa mới cao hơn giống lúa truyền thống.

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất các giống lúa mới (chất lượng) gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch tăng dần qua các năm, theo số liệu của ngành nông nghiệp năm 2023 đạt khoảng 11.000 ha, tập trung tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong.

Theo cục thống kê tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2024, cây lương thực với sơ bộ diện tích toàn tỉnh đạt 42.839,4 ha, tăng 0,18%, trong đó: cây lúa đạt 39.958,8 ha, tăng 1,4%, năng suất đạt 67,8 tạ/ha, tăng 3,3 tạ/ha; sản lượng sơ bộ 270.967,1 tấn, tăng 2,85%. 

Nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới và hạn chế sâu bệnh đã thực hiện chuyển đổi 3.289 ha đất lúa kém hiệu quả chưa chủ động được nguồn nước sang trồng các cây ngắn ngày khác (trong đó 1.545 ha cây bắp, 362 ha cây rau các loại, 592 ha cây đậu các loại, 188 ha trồng dưa hấu….); diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu tại các huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh và Hàm Thuận Bắc. Công tác xã hội hóa giống lúa vụ đông xuân 2024 thực hiện được 749 ha (Tuy Phong 47 ha, Hàm Thuận Bắc 390 ha, Tánh Linh 312 ha), tỷ lệ giống lúa xác nhận hơn 80% trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sử dụng giống lúa mới (chất lượng) gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã giúp nông dân an tâm đầu tư vào sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất.

Các giống lúa đều sinh trưởng phát triển tốt, thích ứng rộng, có thể cấy được hai vụ trong năm trên nhiều loại đất, chịu rét tốt ở vụ xuân, chịu nóng tốt ở vụ mùa, chịu hạn, chống đổ, ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao và ổn định trên nhiều vùng sinh thái.

Đồng thời, không bị thương lái ép giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình lúa chất lượng sản xuất theo hướng ít giảm thải các bon góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa vụ xuân năm 2024, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất thì tỉnh Bình Thuận đã triển khai trồng khảo nghiệm một số giống lúa mới tại các địa phương, qua thu hoạch, đánh giá năng suất cho thấy các giống lúa này đạt năng suất, sản lượng cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương lựa chọn giống phù hợp đưa vào canh tác những vụ tới, góp phần xây dựng và nhân rộng các vùng trồng lúa chất lượng cao.  

TIN LIÊN QUAN