Sáng 31/7, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bắt đầu chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani. Tập đoàn Adani là tập đoàn lớn nhất Ấn Độ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng, sở hữu 14 cảng biển tư nhân lớn nhất nước này, chiếm 25% năng lực cảng biển toàn quốc, cùng với 7 sân bay. Adani cũng là tập đoàn năng lượng hàng đầu của Ấn Độ.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đề xuất của tập đoàn Adani trong việc tham gia xây dựng các sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị trao đổi với các cơ quan phía Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong đó, Thủ tướng khẳng định sân bay Chu Lai có vị trí chiến lược, thuận lợi và tiềm năng khai thác rất lớn.
Thủ tướng cho biết, về lâu dài, định hướng là di dời nhà ga quốc tế từ Đà Nẵng về Chu Lai, trong khi sân bay Đà Nẵng sẽ chỉ phát triển thị trường nội địa.
Về kết nối, khoảng cách từ Chu Lai đến Đà Nẵng chỉ 60km, rất thuận tiện cho việc đi lại. Chu Lai có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng không, đặc biệt với thị trường Trung Quốc và Ấn Độ có lượng hành khách rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh vị trí chiến lược của sân bay Chu Lai và đề nghị "đã nói phải làm và làm thật, có lộ trình, rõ kết quả".
Trước đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế.
Đầu năm nay, nhà ga quốc tế Đà Nẵng chính thức được xếp hạng 5 sao theo tiêu chuẩn Skytrax - hệ thống đánh giá chất lượng sân bay uy tín hàng đầu thế giới. Đây là nhà ga đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam vinh dự nhận được danh hiệu này. Sự ghi nhận của Skytrax là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của nhà ga quốc tế Đà Nẵng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách.
Điểm nhấn đặc biệt của nhà ga chính là việc lồng ghép văn hóa Việt Nam vào từng chi tiết, từ kiến trúc, cảnh quan đến các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Các tiểu cảnh mang đậm bản sắc địa phương được bố trí hài hòa, tái hiện những nét đẹp đặc trưng của vùng đất Đà Nẵng và miền Trung.
Hành khách đến nhà ga có cơ hội thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như "Con đường di sản", nơi những giai điệu, điệu múa và trang phục mang đậm dấu ấn văn hóa Việt được trình diễn một cách sống động.
Gần đây, công trình hầm qua sân bay Đà Nẵng nằm trong Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với phân kỳ đầu tư 2031-2045.