Nhà đầu tư “uốn lưỡi” 70 lần trước khi đặt lệnh mua cổ phiếu VNZ

(CL&CS) - Cổ phiếu VNZ của CTCP VNG đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp, đạt 776.900 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Đóng cửa ngày 9/2, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG đạt 776.900 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

VNZ có phiên giao dịch đầu tiên tại thị trường UPCoM từ 5/1 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu nhưng trải qua 13 phiên liên tiếp trắng bên bán. Ngày 1/2, VNZ mới có phiên khớp lệnh đầu tiên tại giá trần với 100 cổ phiếu được giao dịch.

Từ 1/2 đến 9/2, VNZ đều tăng kịch trần nhưng chỉ 100 cổ phiếu được khớp lệnh cho mỗi phiên. Sau 6 phiên giao dịch, VNZ đã tăng 223,7% so với giá tham chiếu và chỉ mới 600 cổ phiếu được sang tay dù dư mua tại giá trần chỉ vài ngàn cổ phiếu.

Ở mức giá hiện tại, VNZ trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán, xếp theo sau là VCF của CTCP Vinacafe Biên Hòa với 226.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, vốn hóa thị trường của VNZ vượt 1 tỷ USD khi đạt 27.847 tỷ đồng.

VNG được thành lập vào 9/9/2004 với tên gọi VinaGame. Doanh nghiệp này nổi tiếng với game Võ Lâm Truyền Kỳ (ký hợp đồng với Kingsoft), sở hữu cổng thông tin Zing, mạng xã hội Zing Me (đã ngừng hoạt động), Zalo - ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí hoạt động trên nền tảng di dộng, thanh toán điện tử Zalopay…

Hiện nay, công ty có vốn điều lệ 358 tỷ đồng, tương đương 35.844.262 cổ phiếu đã phát hành, đồng thời công ty có 9.970.702 cổ phiếu quỹ. Theo số liệu chốt danh cổ đông vào 28/11/2022 trước khi công ty đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, VNG có 373 cổ đông với 3 cổ đông lớn sở hữu 79,1%, cụ thể: VNG Limited (Cayman Islands) sở hữu 61,1%; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty sở hữu 12,3% và CTCP Công nghệ BigV sở hữu 5,7%.

Năm 2022, công ty đạt 7.801 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so cùng kỳ năm trước nhưng thua lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 858 tỷ đồng.

Có thể trong tương lai, VNG còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng giá cổ phiếu VNZ đã tăng quá nhanh và số lượng khớp lệnh rất ít để đánh giá nhu cầu thật sự của thị trường đối với cổ phiếu này. Do đó, các nhà đầu tư thông thường cần “uốn lưỡi” 70 lần trước khi đặt lệnh mua cổ phiếu VNZ để tránh những khoản thua lỗ không đáng có.

TIN LIÊN QUAN