“Chìa khóa” mở rộng
Ghi nhận trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 đang diễn ra, có thể thấy cụm từ “mở rộng sản xuất” là kế hoạch được khá nhiều DN đặt ra trong năm nay cũng như những năm tiếp theo. Chia sẻ với Tạp chí Hải quan bên lề ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GD Food) cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu nha đam từ 200 ha hiện tại lên khoảng 500ha để đảm bảo luôn chủ động về nguyên liệu cho sản xuất. Theo kế hoạch mỗi ngày GC Food sẽ đưa vào sản xuất 200-250 tấn lá nha đam. Qua đó kỳ vọng mang lại bước phát triển đột phá về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024.
Bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, ông Thứ cũng cho biết sẽ đầu tư sản phẩm mới hóa mỹ phẩm trên chất liệu nha đam và đầu tư nhà máy sản xuất nước giải khát đóng chai từ nha đam, thạch dừa và trái cây. Kế hoạch này nằm trong định hướng của công ty trong việc khai thác tối đa chuỗi giá trị từ cây nha đam. Hiện GC Food đang phối hợp với một số đối tác và nhà đầu tư để phát triển các sản phẩm mới. Theo đó, nhà máy mới sẽ bắt đầu xây dựng trong năm 2024 và dự kiến đến năm 2025 sẽ có sản phẩm.
Nhiều DN khác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty CP Tập đoàn Dabaco, Công ty CP Nông nghiệp BAF cũng đang có kế hoạch đầu tư mở rộng rất mạnh mẽ. Trong đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn sẽ đầu tư mở rộng nâng cấp tăng công suất sản xuất collagen và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen. Vĩnh Hoàn còn muốn đầu tư kho và đầu tư bổ sung máy móc thiết bị cho giai đoạn 1 nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; đầu tư mở rộng kho và nâng cấp tăng công suất sản xuất của nhà máy thức ăn thủy sản Feedone, nhà máy Sa Giang. Đồng thời dự kiến có các khoản đầu tư mở rộng vùng nuôi; đầu tư mới, cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình và Vĩnh Hoàn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, "ông lớn" trong ngành chăn nuôi - Dabaco cũng đề ra kế hoạch phát triển, mở rộng các cơ sở sản xuất; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa các dự án đang triển khai vào hoạt động, bao gồm: nhà máy sản xuất vaccine, nhà máy ép dầu thực vật giai đoạn 2. Ngoài ra, Dabaco còn triển khai các dự án phù hợp mục tiêu ngắn và dài hạn như các Khu chăn nuôi công nghệ cao ở Quảng Ninh, Thanh Hóa…; hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để đưa vắc xin ASF (dịch tả lợn châu Phi) ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Một DN lớn trong ngành chăn nuôi khác là BAF cũng đặt ra chiến lược trong năm 2024 sẽ mở rộng kênh phân phối, liên kết với nông dân phát triển đàn lợn, đầu tư mạnh vào phát triển trang trại, củng cố nhân sự và nâng cấp hệ thống, mở cơ hội hợp tác quốc tế. Đáng chú ý, DN này dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại trong năm 2024, đặt tại các địa phương: Tây Ninh, Phú Yên, Bình Phước và Gia Lai. Đồng thời, dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, đến cuối năm 2024, tổng đàn sẽ gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, nâng lên 75.000 lợn nái và 800.000 lợn thịt.
Trong khi đó, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) lại đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch đấu thầu tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành để mở rộng sản xuất kinh doanh tại đây. Trong năm 2024, Công ty sẽ tập trung vào việc đấu thầu thành công "dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 01 và 02 - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành".
Nếu trúng thầu, SGN sẽ chi gần 174 tỷ đồng, trong đó có 51 tỷ đồng cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (thiết bị sân đỗ, công nghệ thông tin và chuẩn bị cho Cảng HKQT Long Thành) và 123 tỷ đồng cho việc đầu tư trang thiết bị tại Cảng HKQT Long Thành.
Đường dài phát triển bền vững
Bên cạnh những kế hoạch mở rộng đang tích cực được triển khai, chuyển đổi xanh theo hướng phát triển bền vững là mục tiêu dài hạn mà các DN hướng tới để bắt kịp những thay đổi của thị trường. Theo đó, trong năm 2024, GC Food sẽ thành lập Ủy ban ESG để thực hiện các công việc liên quan đến các chỉ tiêu và thông lệ ESG hiện hành. Ông Nguyễn Văn Thứ cho biết, gần đây GC Food nhận được nhiều yêu cầu từ khách hàng quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu về vấn đề ESG, phát triển bền vững trong DN. Theo đó, công ty đã đưa ra nhiều tiêu chí, hoạt động đã triển khai để chứng minh cho khách hàng. Công ty cũng nỗ lực để trong năm 2024 hoặc 2025 sẽ đạt được giấy chứng nhận ESG do quốc tế cấp.
“Đây sẽ là giấy thông hành để GC Food bán hàng vào thị trường châu Âu thuận lợi hơn, đồng thời giúp nâng cao uy tín cho công ty cũng như có thể đạt được mức giá bán tốt hơn” – ông Thứ kỳ vọng. Bên cạnh những giải pháp về ESG, GC Food còn triển khai nhiều hoạt động để tối ưu hóa nguồn năng lượng sử dụng tại nhà máy và phấn đấu đến năm 2030 sẽ cân bằng phát thải khí nhà kính.
Tại Hội nghị Phát triển bền vững do Tạp chí Forbes tổ chức mới đây, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chia sẻ một loạt hoạt động xanh hóa đang được công ty kiên trì triển khai trong nhiều năm qua. “Hàng năm, bên cạnh kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, May Thành Công còn đưa ra kế hoạch cụ thể cho chiến lược phát triển bền vững, đưa ra cam kết với khách hàng sẽ giảm bao nhiêu tấn carbon nhằm khẳng định quyết tâm của DN trong việc giảm thiểu tác động tới môi trường” – ông Tùng cho biết.
Theo đó, nhà máy phải đầu tư xử lý nước thải, hóa chất, giảm năng lượng tiêu thụ bằng cách thay một phần than đá dùng trong lò hơi bằng biomass. Cứ đổi 10% than sang biomass sẽ giảm được 2.500 tấn CO2 phát thải mỗi năm. “Các số liệu này được cập nhật liên tục trên website của công ty để khách hàng thấy được sự thay đổi liên tục qua từng ngày” – ông Tùng nói.
Trong lĩnh vực sản xuất thép, Tập đoàn Hòa Phát mới đây cũng đã công bố hoàn thành báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Hòa Phát cho biết, đây là một trong những hoạt động mà DN sản xuất thép, tôn phải triển khai, làm tiền đề đáp ứng các yêu cầu khác khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là khu vực châu Âu. Do đó, đây sẽ là lợi thế rất lớn giúp DN đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường với giá thành cạnh tranh.