Nghịch lý dân số Việt Nam: Nơi khó khăn thì mức sinh cao, rất cao, nơi phát triển hầu như mức sinh thấp

Thực tế, những khu vực kinh tế, điều kiện sống khó khăn hiện vẫn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi đó khu vực đô thị, kinh tế xã hội phát triển hầu như đều có mức sinh thấp.

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết tăng trưởng GDP quý I/2024 tăng 5,66%, cả năm 2023 tăng 5% là sự nỗ lực lớn, rất đáng biểu dương.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ nếu chiếu theo nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu giai đoạn 2021 - 2025, GDP phải tăng từ 6,7-7%. Như vậy, để đạt mức đưa ra, GDP năm 2024 và 2025 phải tăng khoảng 8%. Đây thật sự là thử thách, khó khăn lớn.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Bởi vì, về chất lượng tăng trưởng, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng chỉ tiêu tăng năng suất lao động đang thấp hơn giai đoạn trước. Cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay chênh lệch, phân bố không đồng đều, cái cần không có, cái có doanh nghiệp không cần. Ví dụ như đào tạo kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn là chính sách cần triển khai trong thời gian tới bởi thiếu trầm trọng.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh cần đưa ra chỉ tiêu về tỉ lệ sinh bởi không đạt 2.1 (tức là mức sinh thay thế trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 2,1 con/mẹ).

Trước đó, ông Nguyễn Thiện Nhân - cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, cũng từng phát biểu cho thấy tỉ lệ sinh ở TP.HCM là dưới 1.4. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số Việt Nam sau này bởi những người có trình độ không chịu đẻ nhưng vùng điều kiện khó khăn, mức sinh lại lên đến 2.0 hoặc thậm chí 3-5.

Thực tế, những khu vực kinh tế, điều kiện sống khó khăn hiện vẫn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi đó khu vực đô thị, kinh tế xã hội phát triển hầu như đều có mức sinh thấp. Những vùng như TP.HCM, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu... mức sinh chưa đến 1,4 nhưng ở các vùng nhưng Hà Tĩnh, Nghệ An, mỗi phụ nữ lại sinh gần gấp đôi, khoảng 2,7-2,8.

Việt Nam có tỷ lệ sinh chênh lệch lớn.

Một số nguyên nhân dẫn đến mức sinh cao ở một số vùng là do văn hóa, tập quán và bất bình đẳng giới, xu hướng sinh nhiều con để có nhân lực tham gia lao động… Còn ở một số vùng có điều kiện, tỷ lệ sinh giảm vì kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế khiến nhiều người gặp áp lực lớn để tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con…

Tuy nhiên, sự chênh lệch về cơ cấu, quy mô dân số sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia. Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải có chủ trương hợp lý để cân đối mức sinh giữa các vùng miền, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài cơ cấu "dân số vàng".

TIN LIÊN QUAN