Quý 4/2021 được nhận định là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Trong rất nhiều nguy cơ, nguy cơ cao nhất là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác cùng việc thiếu nguồn nhân lực do người lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại làm việc ngay…
Dù nhiều doanh nghiệp các tỉnh phía Nam cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh”, nhưng cũng chỉ duy trì được 10-30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường.
Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 15,9% so với tháng 7/2021 và giảm 2,63% so với tháng 8/2020. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% so với tháng 9/2020.
Hiện nay, ngành dệt may đang đối mặt với hai khó khăn chính là lao động và việc duy trì chuỗi cung ứng. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất khó khăn. Do đó có 3 kịch bản có thể xảy ra trong năm 2021.
Kịch bản tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD.
Kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự kiến sẽ đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD.
Kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD. Dự báo năm 2022, nếu tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường ngành dệt may sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 39 tỷ - 42 tỷ USD.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp dệt may cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước, Chính phủ cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng, có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị cho những đơn hàng sắp tới và có tiền trả lương cho công nhân.
Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cuối năm, giảm, giãn các loại thuế để doanh nghiệp chủ động hơn về tài chính lo cho sản xuất trước mắt.
Riêng đối với các doanh nghiệp dệt may khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam, điều họ mong muốn nhất lúc này là Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp dệt may phục hồi sản xuất, tăng tốc thực hiện những đơn hàng cuối năm.