Ngân hàng vẫn khó bán bất động sản để thu hồi nợ

(CL&CS) - Thời gian qua các ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, do tài sản bảo đảm nợ tại các ngân hàng đa phần là bất động sản, trong khi thanh khoản của thị trường yếu đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng.

Nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng do đại dịch Covid-19 bùng phát trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng trả nợ của khách hàng. Việc chào bán tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường nhà đất thanh khoản yếu.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết các ngân hàng đang chịu rất nhiều áp lực về nợ xấu trong những tháng cuối năm sau khi quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chấm dứt từ cuối tháng 6 vừa qua.

Theo NHNN Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD là 412.700 tỷ đồng, giảm 6,23% so với cuối năm 2020 và giảm 17,21% so với ngày 14/8/2017 (thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành).

Lũy kế từ 15/8/2017 (là khi Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành) đến 31/12/2021, các TCTD đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Ngân hàng vẫn khó bán bất động sản để thu hồi nợ.

Nhận thức rõ áp lực nợ xấu dưới tác động của đại dịch Covid-19, thời gian qua các TCTD đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó các TCTD cũng tích cực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, do tài sản bảo đảm nợ tại các ngân hàng đa phần là bất động sản, trong khi thanh khoản của thị trường yếu đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Không ít tài sản bảo đảm trải qua nhiều lần đấu giá mà vẫn không thành công.

Vừa qua, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH TH Bonbon (Công ty Bonbon). Giá khởi điểm Agribank AMC đưa ra là 83,8 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với lần thông báo hồi tháng 8/2021.

Ngân hàng BIDV cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Vertical Synergy Việt Nam. Tổng dư nợ tính đến ngày 14/8 là 477,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 347,1 tỷ đồng, dư nợ lãi là 130,3 tỷ đồng. Giá khởi điểm bán đấu giá là 381,5 tỷ đồng, thấp hơn tổng dư nợ tới 96 tỷ đồng.

Tương tự, ngân hàng Sacombank cũng rao bán đấu giá 18 khoản nợ liên quan đến dự án KCN Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm mà ngân hàng đưa ra trong lần đấu giá này là 8.640 tỷ đồng, thấp hơn một nửa so với tổng dư nợ. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán toàn bộ 18 khoản nợ, không tách rời.

Được biết, hồi tháng 3/2022, ngân hàng rao bán khoản nợ này với mức giá khởi điểm là 14.577 tỷ đồng nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư tham gia đấu giá. Đến tháng 5/2022 tiếp tục rao bán với giá khởi điểm giảm còn 11.810 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8 vừa qua, mức giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra chỉ còn 9.600 tỷ đồng và đến tháng 9/2022 còn hơn 8.600 tỷ đồng.

Có thể thấy, ngân hàng rao bán tài sản thu hồi nợ xấu chủ yếu là các bất động sản thế chấp. Đây là loại tài sản được các nhà băng ưu tiên nhận cầm cố, thế chấp hơn cả.

Mặc dù chuộng tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng việc xử lý những tài sản này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên thực tế, những khối bất động sản hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng thường phải rao bán rất nhiều lần, kéo dài vài năm và giảm giá liên tục, thậm chí chấp nhận mất trắng lãi mới có thể bán được thành công.

Giám đốc công ty mua bán nợ (AMC) một ngân hàng cho biết, hai năm qua dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn bết bát, mặc dù ngân hàng đã cơ cấu lại nợ vay nhưng chưa hết khó khăn. Có những doanh nghiệp nợ bị nhảy sang nhóm 3 nên hai bên thỏa thuận bán bớt tài sản đảm bảo nợ vay trả nợ ngân hàng. Mặc dù giá nhà đất tăng, nhưng thị trường không có thanh khoản, nên việc bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP HCM cũng cho rằng, tài sản bảo đảm nợ vay của các ngân hàng hiện nay có đến hơn 90% là bất động sản. Trong khi thị trường nhà đất thời gian qua giao dịch ảm đạm đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

 

Trước đó, ngày 16/6 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, NHNN yêu cầu các TCTD, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06 ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42…