Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/08/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 - 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng); xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý (trung bình từ 2012-2017 chỉ khoảng 22,8%). Trong đó, riêng năm 2021, đã xử lý được 48,3 nghìn tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Về khó khăn vướng mắc, Thống đốc cho biết nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là hết sức cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro thanh khoản trong trung hạn.
Đồng thời, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung, dài hạn) vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho hệ thống TCTD.
Ngoài ra, việc bán, phát mại tài sản để xử lý nợ xấu của các TCTD gặp nhiều khó khăn do thị trường thanh lý tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, có những khách hàng lợi dụng bối cảnh dịch bệnh để trì hoãn trả nợ, giao tài sản đảm bảo cho các TCTD khiến tiến trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm càng gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, người đứng đầu NHNN cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu hiệu quả.