Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước thì trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% nhưng nhiều ngân hàng ngay từ hồi cuối tháng 5 đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng.
Theo đó, tại một số ngân hàng như Vietcombank, tín dụng của ngân hàng đã đạt gần 9% sau 4 tháng đầu năm so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%; ACB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% tại cùng thời điểm trên, dù room được cấp là 10%; MB khi đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 14,3% ngay sau quý I, gần chạm trần mốc 15% được cấp. Một số ngân hàng khác như BIDV, HDBank. Sacombank... cũng trong tình trạng tương tự.
Lãnh đạo các ngân hàng nhìn nhận nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao kể từ cuối năm 2021 và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách cũng đang được toàn ngành ngân hàng gấp rút triển khai. Do đó, để đáp ứng cơn "khát vốn" cho phục hồi tăng trưởng, lãnh đạo các ngân hàng đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới room tín dụng phù hợp.
Ngân hàng có nên thay đổi khẩu vị khi cạn room tín dụng?
Tuy nhiên, nới room tín dụng liệu có giải được cơn "khát vốn" của các doanh nghiệp hiện nay hay không? Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ quan điểm khi room tín dụng của các ngân hàng đã gần cạn, sẽ rất khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Dù vậy, với vai trò là cơ quan điều hành, trước áp lực lạm phát toàn cầu đang tăng cao, ông Hùng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới room để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước.
Còn theo Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có ngân hàng gần cạn room nhưng cũng có những ngân hàng vẫn còn room tín dụng và đây là cơ hội để các ngân hàng xem xét lại khẩu vị rủi ro, cơ cấu lại chất lượng tín dụng.
Trên thực tế, lãnh đạo một ngân hàng cho biết để gỡ thế khó khi room tín dụng gần cạn, ngân hàng phải linh hoạt cơ cấu lại dư nợ, hướng dòng vốn vào cho vay ngắn hạn, vay lưu động, bổ sung vốn kinh doanh....
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, trước tốc độ tăng trưởng của tín dụng, cuộc đua lãi suất cũng đã tăng nhiệt trở lại sau hơn 2 năm neo ở mức thấp. Báo cáo mới phát hành của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VBCS) cho biết lãi suất huy động kể từ đầu năm đến nay đã nhích tăng khoảng 0,3-0,8%/năm; trong đó, kỳ hạn 12 tháng có mức tăng đạt xấp xỉ 0,7%/năm.
Xét riêng trong tháng 6, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 0,1-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn như SCB, BaoVietBank, SHB, ACB, VIB... Trong đó, SCB đang là một trong những ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất ở kỳ hạn 12 tháng với 7,3%/năm.
Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh lãi suất này còn có cả các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước. Theo đó, lần đầu tiên trong suốt 3 năm qua, BIDV đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng ở mức 5,6%/năm. Trong khi đó, tại Vietcombank, lãi suất huy động trực tuyến cũng đã được cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.
Nhìn chung, tại thời điểm này lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng đều được hầu hết các tổ chức tín dụng áp dụng mức kịch trần là 4%/năm. Còn với tiền gửi dài hạn, mức lãi suất trên 7%/năm đã xuất hiện trở lại ở nhiều ngân hàng như SCB, VietCapital Bank, NamABank, VietBank...
Lý giải cho các đợt tăng lãi suất liên tiếp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc lãi suất huy động ở mức thấp trong suốt 2 năm qua dù tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng đã phần nào khiến dòng vốn ít nhiều đã chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiền số... Lượng tăng trưởng vốn huy động vì thế chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước đây và cũng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của vốn tín dụng.
"Do đó, để đảm bảo khả năng cung ứng vốn, các ngân hàng đã dần dần nâng lãi suất tiết kiệm lên mức phù hợp với yêu cầu thu hút vốn và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền", ông Thịnh nói.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng, nên khi hoạt động này bị hạn chế đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ càng vẫn có thể có lợi nhuận từ chất lượng tài sản tốt, tín dụng tốt, quản lý chi phí hoạt động tốt… Ðặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục ổn định trong thời gian tới là “bệ đỡ” cho các ngân hàng.