Nâng chất lượng môi trường từ nền nông nghiệp xanh

(CL&CS) - Để làm được điều đó cần thúc đẩy năng lực của khu vực tư nhân để giảm phát thải các bon trong ngành nông nghiệp, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp tăng về số lượng dần sang mô hình nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường.

Ngày 13/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam (IFC) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy năng lực của khu vực tư nhân để giảm phát thải các bon trong Hệ thống nông nghiệp và thực phẩm”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế Khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trước bối cảnh tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam đã và đang là trụ cột của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp khoảng 15% GDP của quốc gia. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD năm 2021.

Tại hội thảo, Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  cho biết, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan. Đó là: nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.

Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể. Theo số liệu kiểm kê khí nhà kính năm 2016, sản xuất nông nghiệp chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 02 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp đó là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu...”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên”  sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vai trò doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…

Tuy nhiên, hiện nay số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chiếm 1%.

Thúc đẩy năng lực của khu vực tư nhân để giảm phát thải các bon trong Hệ thống nông nghiệp và thực phẩm.

Tình hình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế, do lĩnh vực này vốn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cùng với phát triển bền vững, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. Do đó để có thể tham gia vào sân chơi chung của thế giới, chúng ta cần phải có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phầm xanh, ít phát thải và bền vững. Bộ NN và PTNT sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ.

Với “Tư duy đổi mới” và “Cùng hành động”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự tin tưởng những nỗ lực của Chính phủ, sự chủ động của toàn Ngành, sự đồng hành của khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự ủng hộ của các Bộ, Ban ngành, Địa phương, các Đối tác quốc tế, các Chuyên gia và toàn thể người dân, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, và một nền nông nghiệp xanh - giảm phát thải.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chúc mừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói chung là Việt Nam về những thành tựu ấn tượng của ngành trong năm 2021, bất chấp những thách thức rõ ràng do đại dịch COVID-19 gây ra.

 Theo Ông Alfonso Garcia Mora, trên toàn cầu, nhu cầu về một ngành nông nghiệp và thực phẩm bền vững hơn là cấp thiết hơn bao giờ hết. Riêng về mặt cung, ngành nông sản thực phẩm tiêu thụ một lượng năng lượng mỗi năm lớn hơn cả nhu cầu năng lượng quốc gia của Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Khi phân tích đầy đủ bao gồm nông nghiệp, chế biến, phân phối và tiêu dùng thực phẩm, sản xuất lương thực chiếm khoảng 30% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Do đó, lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp là trọng tâm trong nỗ lực khử các-bon của thế giới.

Với trọng tâm chiến lược 10 năm (2021-2030) của Bộ NN & PTNT là đưa Việt Nam trở thành quốc gia nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2050, Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Nông nghiệp các-bon thấp cũng là một trong những ưu tiên của Bộ NN & PTNT nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 gần đây.

Tuy nhiên, việc xây dựng một nền kinh tế thích ứng với khí hậu sẽ không hề rẻ và Việt Nam sẽ cần kết hợp các chính sách chuyển đổi đầy tham vọng với việc định giá các-bon.

Thuế các-bon nhỏ hiện có - cái gọi là Thuế Bảo vệ Môi trường (EPT) - sẽ cần phải tăng dần trong giai đoạn tới. Sự kết hợp như vậy giữa các chính sách ngành và định giá các-bon dường như là cần thiết để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo hướng tới phát thải ròng bằng không.

Điều này sẽ đòi hỏi những cải cách và đầu tư đáng kể để giải quyết ưu thế của đất nước về sản xuất lúa và chăn nuôi thâm canh các-bon.

Để đạt được sự chuyển đổi này, các doanh nghiệp nông nghiệp cần phải cắt giảm đáng kể dấu ấn môi trường của ngành và áp dụng phương thức kinh doanh xanh hơn, sạch hơn. Do đó, IFC tin rằng thực phẩm và nông nghiệp sẽ được xây dựng dựa trên giá trị gia tăng hơn là dựa trên các hoạt động thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và tích lũy sản lượng ngày càng tăng.

Theo Ông Alfonso Garcia Mora, để đạt được sự thay đổi đáng kể này về cách thức sản xuất lương thực ở Việt Nam, các công ty sẽ cần hướng dẫn rõ ràng về các kỳ vọng và khuyến khích áp dụng các phương pháp mới dẫn đến mục tiêu khử các-bon.

Ở Việt Nam, nơi các nông hộ nhỏ chiếm ưu thế, hợp tác với các hợp tác xã và dẫn dắt các doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất và đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ bền vững và tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ, sản xuất lúa bền vững) giữa các nông hộ nhỏ sẽ rất quan trọng để thay đổi đó xảy ra .

TIN LIÊN QUAN