Năm 2022, dòng tín dụng sẽ chảy vào các lĩnh vực ưu tiên

(CL&CS) - Năm 2022, NHNN định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, dòng vốn tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất thông qua các công cụ như room tín dụng và các công cụ gián tiếp khác.

Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 11 tháng đầu năm 2021 có tổng cộng 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, trong đó có đến 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.850 tỷ đồng (chiếm 95% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng tổng giá trị 26.340 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản dự báo sẽ gặp khó hơn trong thời gian tới khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh:TL

Có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, tổng giá trị 1,425 tỷ USD, trong đó Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của CTCP Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD). Nhóm bất động sản hiện vẫn đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Đáng lưu ý là tỷ lệ này tiếp tục tăng lên so với trước, điều này cho thấy những rủi ro tiềm ẩn của kênh đầu tư này ngày càng gia tăng.

Theo Bộ Tài chính, trong số các trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1% (trong đó trái phiếu do các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%).

Trong số 300 doanh nghiêp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án. Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. 

Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Đối với doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021. Tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.

Trong thời gian vừa qua, việc phát hành TPDN, đặc biệt là phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. 

Mới đây, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một số doanh nghiệp có xu hướng phát hành trái phiếu huy động vốn để đầu tư góp vốn, mua cổ phần, thay vì phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thực hay các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp. Điều này khiến dòng vốn đi sai hướng.

Tại cuộc họp báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021, định hướng nhiệm vụ năm 2022 ngày 28/12/2021, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 27/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 12,97% so với cuối năm 2020. Dòng tín dụng tiếp tục được NHNN hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.

Năm 2022, NHNN định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tuy nhiên tùy điều kiện thực tế có thể sẽ tăng thấp hơn hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất thông qua các công cụ như room tín dụng và các công cụ gián tiếp khác. 

Tuy nhiên, Phó thống đốc NHNN khẳng định, năm 2022 sẽ tăng cường kiểm soát đối với các lĩnh vực rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể đối với bất động sản, cơ quan này cho biết sẽ siết chặt bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Tuy nhiên, riêng với bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích. Đối với trái phiếu doanh nghiệp, NHNN thậm chí có thể sẽ tiến hành thanh kiểm tra. Đối với chứng khoán, nếu để phục vụ thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, nếu thị trường phát triển lành mạnh, nguồn vốn vẫn sẽ được tạo điều kiện. Nhưng ngược lại, nếu thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tăng nóng thì NHNN sẽ kiểm soát chặt lại.

Cũng theo Phó thống đốc NHNN, sắp tới rất có thể xảy ra hiện tượng dòng tiền quay vòng, chảy sang chứng khoán, bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện việc phải có chính sách giám sát chặt chẽ hơn dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư. Khả năng kiểm soát dòng tiền này là không dễ trong điều kiện thực tế hiện nay, song NHNN sẽ tăng cường giám sát hơn nữa để các thị trường phát triển lành mạnh.

Theo định hướng, năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh.

TIN LIÊN QUAN