Năm 2020, Đất Xanh lỗ 496 tỷ đồng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo

(CL&CS) - Cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 31/3/2021.

Cổ phiếu DXG của Đất Xanh bị HOSE đưa vào diện cảnh báo, đồng nghĩa cổ phiếu này không được giao dịch ký quỹ (margin). (Ảnh: N.N)

Lý do HOSE đưa cổ phiếu DXG vào diện cảnh báo là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 là -496 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2018-2019, Đất Xanh liên tục báo lãi lớn hơn ngàn tỷ đồng/năm nhưng năm 2020, Đất Xanh bất ngờ báo lỗ khủng. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên Đất Xanh báo lỗ kể từ năm 2006 đến nay.

Năm 2020, doanh thu của Đất Xanh đạt 2.891 tỷ đồng, giảm 50,3% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế lỗ 496 tỷ đồng trong khi năm 2019, công ty đạt 1.217 tỷ đồng sau thuế.

Ngoài việc doanh thu giảm, Đất Xanh còn ghi nhận chi phí tài chính tăng mạnh lên 858 tỷ đồng, từ mức 209 tỷ đồng của năm 2019. Trong đó, công ty đã lỗ 526 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư LDG và chi phí lãi vay tăng thêm.

Đại diện Đất Xanh cho biết: Năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất bị lỗ so với năm 2019 chủ yếu do công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu - lợi nhuận từ các dự án do công ty làm chủ đầu tư đã triển khai bán hàng thành công và do việc gia tăng các khoản trích lập dự phòng tài chính, dự phòng nợ phải thu từ một số đơn vị trong cùng hệ thống.

Mặc dù kết quả kinh doanh không thuận lợi nhưng từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DXG thu hút được dòng tiền lớn đổ vào. Đóng cửa ngày 26/3, cổ phiếu DXG đạt 23.400 đồng/cổ phiếu, tăng 46,7% so với đầu năm nay. Nếu so từ đáy được thiết lập từ 31/3/2020 đến nay, DXG tăng 225%. Tuy vậy, cổ phiếu DXG vẫn chưa thể phá đỉnh lịch sử 27.970 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào năm 2018.

Diễn biến cổ phiếu DXG từ khi lên sàn HOSE vào cuối năm 2009 đến nay. (Ảnh: N.N)

Nguyên nhân chủ yếu giúp cổ phiếu DXG tăng mạnh là do nhà đầu tư thấy được tiềm năng của Đất Xanh khi sở hữu quỹ đất lớn.

Cuối năm 2020, hàng tồn kho của Đất Xanh tăng 50,9% so với đầu năm, tương đương 3.460 tỷ đồng và đạt 10.252 tỷ đồng. Các dự án có giá trị hàng kho lớn là Gem Sky World (3.553 tỷ đồng), Gem Riverside (1.558 đồng), Opal Boulevard (1.199 tỷ đồng). Dự án Gem Riverside tọa lạc tại TP.HCM bị “đứng hình” thì giá trị hàng tồn kho tại Gem Sky World tăng lên gần 2.000 tỷ đồng, còn hàng tồn kho tại dự án Opal Boulevard cũng tăng lên 700 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2020, người mua trả tiền trước ngắn hạn của công ty đạt 2.923 tỷ đồng, tăng mạnh so với 907 tỷ đồng của đầu năm.

TIN LIÊN QUAN