Để đạt được 17 mục tiêu đề ra theo đúng lộ trình, ngay sau khi ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung, mục tiêu Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Đầu chảo thu vệ tinh Vinasat với nhiều kênh truyền hình quốc gia và các địa phương được người dân xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei sử dụng (Ảnh: DN)
Theo đó, 100% đơn vị, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, tổ chỉ đạo về chuyển đổi số với 1.014 thành viên; thành lập tổ giúp việc ban chỉ đạo, tổ chỉ đạo về chuyển đổi số với 828 thành viên. Đồng thời, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh; phát triển kinh tế số, xã hội số; hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số và đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số.
Kết quả, đến nay có 9/17 mục tiêu thực hiện đến năm 2025 đạt và vượt gồm: 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% cán bộ được phân công phụ trách về công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 95% doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; đã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 30% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; 90% người dân có nhu cầu tiếp cận dịch vụ Chính quyền số.
Hiện còn 8/17 chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025, đó là 80% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyển đổi số (hiện đạt 60%); 80% dữ liệu quản lý của các cơ quan, đơn vị được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả (hiện cập nhật được 98% hồ sơ văn bản quản lý và điều hành, 45,01% TTHC được số hóa và 75 bộ dữ liệu thuộc 12 lĩnh vực của 31 cơ quan, đơn vị); kinh tế số chiếm 20% GRDP (hiện đạt 6,88%); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực trên 10%; doanh nghiệp chuyển đổi số trên 80% (hiện đạt 65%); cáp quang đến hộ gia đình trên 80% (hiện đạt 52,8%); xếp hạng DTI thứ 35; hình thành đô thị thông minh tại thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và khuyến khích các huyện còn lại có đủ tiềm lực phấn đấu xây dựng đô thị thông minh hoặc xây dựng ít nhất 1 loại dịch vụ đô thị thông minh (hiện thành phố Kon Tum đã triển khai 2 dịch vụ về camera an ninh và chiếu sáng thông minh; huyện Kon Plông đang hoàn thiện Đề án triển khai đô thị thông minh).