Xây dựng kinh tế biển xanh được coi là nền tảng của phát triển bền vững
Thông tin tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học tham dự
Hơn 10 năm qua, Đảng đã ban hành hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển, là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã xác định rõ quan điểm “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”.
Tiếp đó, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các vùng biển, đảo Việt Nam.
Gần đây nhất, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh.
Để tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển để xây dựng Việt Nam thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn” theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo ông Phan Xuân Thủy, đòi hỏi cần phải có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, trong đó xây dựng kinh tế biển xanh được coi là nền tảng.
Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong thời gian qua, Việt Nam về cơ bản đã bắt kịp xu hướng này để phát triển kinh tế biển bền vững, hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, biểu hiện ở tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường tại một số vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững… Do đó, trong thời gian tới cần có các giải pháp căn cơ, trọng tâm, trọng điểm, trong đó vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế vừa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam
Các cơ quan, nhà khoa học đã có những trình bày tham luận tại Hội thảo số nội dung: ý nghĩa của kinh tế biển xanh, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy và tạo động lực cho phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng các ngành kinh tế biển, phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam và các địa phương; vai trò của công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại và các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; vai trò, tiềm năng và đóng góp của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế biển xanh...
Đại tá Nguyễn Khắc Vượt, Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, chia sẻ, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định muốn phát triển bền vững, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, an ninh và an toàn, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Phát triển bền vững kinh tế biển ưu tiên tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, đảm bảo hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển trên cơ sở khai thác mọi nguồn lực, tập trung xây dựng thế trận QP-AN gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển. Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng,an ninh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Khắc Vượt nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân truyền tải thông tin, Việt Nam là quốc gia ven biển, với trên 3.260 km bờ biển trải dọc theo chiều dài đất nước và vùng biển chủ quyền rộng khoảng 1 triệu km2 với hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; biển, đảo của nước ta có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh,... trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quân chủng đã chủ động tham gia phát triển kinh tế biển, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên biển và ven biển. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống các công trình lưỡng dụng trên hướng biển, đảo; từng bước hoàn thiện hệ thống bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hoạt động tác chiến của các lực lượng trên biển, ven biển và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ven biển và trên các đảo; tham gia hỗ trợ xây dựng lực lượng, huấn luyện các Hải đội Dân quân thường trực và các đơn vị Dân quân tự vệ biển đạt kết quả tích cực. Duy trì có hiệu quả chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan Trung ương, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”...
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, khái niệm kinh tế biển xanh phản ánh tổng hợp các lĩnh vực kinh tế và chính sách liên quan, cùng quyết định sử dụng bền vững tài nguyên đại dương. Kinh tế biển xanh không chỉ tập trung vào khai thác bền vững tài nguyên biển mà còn hướng tới duy trì và bảo vệ các hệ sinh thái biển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo các lợi ích từ đại dương được chia sẻ công bằng và lâu dài cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Thực tiễn hiện nay, phát triển kinh tế biển xanh được xem là một phương thức để giải quyết những thách thức của kinh tế biển truyền thống trong bối cảnh phát triển bền vững hiện nay, bao gồm biến đổi khí hậu, đánh bắt cá không bền vững, tác động sinh thái của nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm môi trường biển, mất đa dạng sinh học, suy thoái hệ sinh thái biển, năng lượng biển và đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu này thực hiện lồng ghép mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh trong phân vùng chức năng biển thực hiện triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW tại một địa phương là tỉnh Quảng Ninh. Tại tỉnh Quảng Ninh, các kết quả nghiên cứu được thực hiện bao gồm: đánh giá tác động của các lĩnh vực kinh tế biển xanh tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); phân vùng chức năng biển cho phát triển kinh tế dịch vụ và du lịch biển, nuôi trồng thủy sản bền vững và đa lợi ích, kinh tế công nghiệp biển, năng lượng tái tạo biển; phân vùng chức năng biển giải quyết mâu thuẫn giữa các hoạt động kinh tế biển và chồng lấn quy hoạch trong sử dụng không gian biển. Ba phương án phân vùng chức năng biển được đề xuất, trong đó phương án cao nhất là chuyển đổi xanh toàn diện các lĩnh vực kinh tế khu vực biển và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh.
TS. Hoàng Quốc Lâm, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, Phát triển kinh tế biển xanh nền tảng để phát triển kinh tế biển một cách bền vững là mục tiêu quan trọng của nghị quyết 36 NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế biển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Việc thực hiện Chiến lược này cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển từ nền kinh tế biển “nâu” sang kinh tế biển “xanh” một yêu cầu thực tế, cấp thiết phù hợp với luật pháp quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững số 14 về biển và đại dương đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Để thực hiện thành công Chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững cần triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt nhóm giải pháp trong đó giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh được xem là một nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và cơ bản đặt nền tảng cho thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông số đối với việc tuyên truyền kinh tế biển xanh, ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tin, trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, là trung tâm cạnh tranh chiến lược của các cường quốc trong khu vực và thế giới và là tuyến hàng hải huyết mạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu. Vì vậy, công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và các ban, bộ, ngành, địa phương đang hết sức nỗ lực triển khai nhiệm vụ này.
Có 5 yếu tố quan trọng mà truyền thông số có thể hỗ trợ, nâng cao hiệu quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển xanh, đó là giúp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển xanh, các chính sách và giải pháp khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường biển;
Hỗ trợ thu thập và phân tích dữ liệu từ các hoạt động biển, như mức độ ô nhiễm, tình trạng đa dạng sinh học và điều kiện môi trường. Các công cụ phân tích và dữ liệu lớn giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định chính xác hơn, từ đó giúp các bên liên quan đánh giá và điều chỉnh các chiến lược phát triển; Giúp tạo ra các mạng lưới giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng,các diễn đàn, mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến giúp chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp giữa các bên liên quan, thúc đẩy học hỏi và áp dụng các phương pháp bền vững;
Sử dụng các kênh truyền thông số để giới thiệu các dự án, môi trường đầu tư và các sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế biển xanh; Truyền thông số cung cấp các diễn đàn trực tuyến để truyền thông chính sách và tiếp nhận ý kiến, phản hồi từ người dân nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển; giúp công khai thông tin về các chính sách và hoạt động của chính phủ và các tổ chức, từ đó nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài nguyên biển.
Liên kết quốc tế, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ biển
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thuỷ sản Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban KHCNMT Quốc hội (Khoá XV) cho biết, trong một thế giới “chuyển đổi xanh” với vai trò to lớn của biển và đại đương như vậy đòi hỏi các quốc gia biển, đảo, trong đó có Việt Nam, phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để hướng đến một nền kinh tế biển xanh và bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau trong toàn cầu hóa thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết: toàn cầu hóa ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng và hiệu quả của một quốc gia sẽ đóng góp không nhỏ đến các vấn đề toàn cầu.
Vì thế, liên kết quốc tế và đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ biển là cách tiếp cận cơ bản và dài hạn để giải quyết các thách thức không của riêng ai, để giải bài toán phát triển và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo quốc gia. Trong bối cảnh nói trên, Việt Nam đã lựa chọn, định hình và bước đầu triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh”.
Phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta cũng đòi hỏi phải thực thi các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như:
Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển: Có thể nói, trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Đây là nguồn tài nguyên phần lớn có khả năng tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái (Ecosystem-based economy) của đất nước. Cho nên, sự “trường tồn của biển cả” sẽ duy trì được nguồn vốn sinh thái biển cho phát triển kinh tế biển xanh và “điểm tựa” sinh kế cho các cộng đồng dân cư nghèo sống ở ven biển và trên đảo.
Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển: Các hệ sinh thái biển-ven biển được xem là “cơ sở hạ tầng tự nhiên” để bảo vệ vùng ven biển, nhưng diện tích của chúng đang bị thu hẹp ở mức báo động liên quan tới đô thị hoá ở vùng ven biển, trên đảo, nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, khu kinh tế biển và các hoạt động phát triển khác. Cho nên, cần phải ưu tiên phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái đã bị suy thoái và gia tăng diện tích mới của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, để giám sát và kiểm soát hiệu quả, cần nâng cao năng lực cho hệ thống quan trắc - cảnh báo môi trường (monitoring) biển, bao gồm áp dụng quy trình QA/QC và chuyển đổi số, tự động hoá để bảo đảm độ tin cậy của các kết quả quan trắc.
Các công cụ kinh tế và quy hoạch biển, vùng bờ biển: Các công cụ kinh tế có thể áp dụng trong phát triển các ngành kinh tế biển, bao gồm: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính, thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác. Cần xác định mức phí tối ưu để có hiệu lực răn đe giáo dục, nhưng không quá cao dẫn tới chi phí đầu vào của sản xuất tăng, gây áp lực và phản ứng từ các cơ sở sản suất, kìm hãm sự phát triển kinh tế, gây bất ổn định xã hội.
Thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dương: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng có tính toàn cầu và đang tác động hiện hữu ở các cấp độ, ảnh hưởng đến an ninh biển phi truyền thống. Trong điều kiện nước ta, ngành thuỷ sản cần chủ động thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và cấu trúc ao đầm trong nuôi trồng thuỷ sản nước lợ ven biển và trên biển có khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương. Do nền nhiệt tăng, cường độ bức xạ tăng và khoảng cách chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, thời tiết cực đoan, tăng hạn mặn, tăng xói lở bờ biển,...nên cần lồng ghép các giải pháp thích ứng vào các hoạt động (chính sách, chiến lược,kế hoạch sản xuất,...) của các ngành/lĩnh vực kinh tế biển.
Khuyến khích phát triển năng lượng biển tái tạo: Vùng biển nước ta có tiềm năng lớn đối với phát triển điện gió ven biển và ngoài khơi (biển), nhất là ven biển đồng bằng sông Cửu Long và vùng biển nông Nam Trung Bộ. Cho nên, phát triển điện gió vùng ven biển và điện gió ngoài khơi là nhu cầu chiến lược, cần được ưu tiên. Bên cạnh điện gió, cần phát triển điện mặt trời trên các đảo có dân và từng bước nghiên cứu phát triển cácc dạng năng lượng biển tái tạo khác (dòng chảy, thuỷ triều, sóng biển).
Phát triển khoa học-công nghệ biển tiên tiến: Khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc khớp nối và hài hòa các nhu cầu phát triển kinh tế biển bền vững, cũng như trong việc xây dựng và thực hiện các dự án ở cấp cộng đồng. Trong thực tế, xuất đầu tư vào các ngành/lĩnh vực kinh tế biển thường rất lớn và chịu nhiều rủi ro, nhưng cho hiệu quả cao nếu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Với sự can thiệp hiệu quả của công nghệ đại dương, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đã được triển khai ở những vùng biển xa hơn, xuống sâu hơn, an toàn hơn.
Các thiết bị đo tự động, tự điều khiển, rôbot nhặt rác thải nhựa trong các rạn san hô dưới đáy biển, các phương tiện tụe động thám sát, giám sát,thăm dò đáy biển sâu,...là những “giải pháp xanh” đang được ứng dụng ở các quốc gia phát triển. Ngoài hệ thống cơ quan khoa học và công nghệ biển hiện có, Chính phủ đang chỉ đạo thành lập và vận hành thử nghiệm Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Công nghệ đại dương theo cơ chế hợp tác công tư...
Phát triển kinh tế biển xanh không chỉ dừng lại ở báo cáo và cam kết hành động mà cần phải có chiến lược, lộ trình cụ thể cùng với việc quản lý các rủi ro. Thông qua việc nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm thực hành kinh tế xanh, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng cộng đồng doanh nghiệp bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.