Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch và hàng không chịu thiệt hại nặng nề chưa từng có. Hầu hết các doanh nghiệp đều điêu đứng, ngưng hoạt động, không có doanh thu... nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt các chi phí: trả lương cho lao động (mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước.
Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực đầu tháng 4-2021 có sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 01 trong hỗ trợ doanh nghiệp, có phương án về thời hạn trả, giảm lãi cởi mở hơn nhưng vẫn chưa thể giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động.
"Dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo thông tư 03 quy định, doanh nghiệp du lịch vẫn vô cùng khó khăn trong thanh toán các khoản nợ. Những khó khăn của ngành du lịch trong đó gồm lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng và chuỗi cung ứng dịch vụ, kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành như: vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy và các ngành kinh tế khác", bà Khánh nhận định.
Ngày 15/6, Hiệp Hội Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất, kiến nghị với các đơn vị, cơ quan Nhà nước vể việc mở rộng Thông tư số 03 ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Hiệp hội Du lịch TP Hồ CHí Minh kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND TP.HCM nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch; Giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ. Ngoài ra cần có cơ chế ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu.
Hiệp hội cũng đề xuất thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả.
Trung Kiên