Theo tìm hiểu, trước thời điểm dịch bệnh COVID-19, vấn nạn phân lô, bán nền ở các vùng ven Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) như huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm diễn ra rất sôi động. Sau khi tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng mở ra, kết nối với Quốc lộ 27C đi Đà Lạt, huyện Diên Khánh trở thành “điểm nóng” về vấn nạn chuyển đất lúa, đất nông nghiệp... sang đất thổ cư, nhất là trước thông tin huyện này đạt đô thị loại IV và sẽ lên thị xã trong tương lai gần.
Báo cáo giám sát của HĐND huyện Diên Khánh gần đây cho thấy, diện tích đất chuyển mục đích từ đất lúa sang đất ở trên địa bàn huyện này là rất lớn. Cụ thể, tại các xã Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên Phú trong các năm 2017, 2018 hơn là 133.000 m2. Tuy nhiên, diện tích xây dựng lại chiếm tỉ lệ thấp so với diện tích đã được chuyển mục đích (12,5%), tức là chỉ xây dựng khoảng 17.000 m2. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong một số vùng dự kiến phân lô, tách thửa chưa được nhà đầu tư thực hiện đúng theo quy định của chính quyền huyện.
Đáng nói hơn là dù ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa, đất trồng cây lâu năm... sang đất ở nhưng các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành lại không đồng bộ thống nhất dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong quản lý, cấp phép xây dựng.
Đặt biệt, tại huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa... còn xuất hiện nhiều khu đất sau phân lô, tách thửa rồi rao bán như một dự án khiến người mua ngộ nhận về sản phẩm dự án nhà ở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh bất động sản đổ về các địa phương thu gom đất lúa, đất nông nghiệp rồi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng và rao bán lại với giá cao để hưởng lợi. Trong khi đó, nhiều người dân sau khi mua đất xong thì bỏ đó mà không tiến hành xây dựng nhà ở, khiến tỉ lệ xây dựng không vượt qua được con số 15% như đã đề cập ở trên.
Trước tình hình trên, mới đây Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành văn bản số 919 về việc chấn chỉnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, nhất là vấn đề liên quan đến hạn mức tối thiểu tách thửa đất, hiến đất làm đường giao thông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ tái định cư... để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.
Công bố công khai, minh bạch các quy hoạch, thông tin về dự án được phê duyệt để hạn chế việc lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để gây tình trạng "sốt đất” ảo nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận.
Lãnh đạo các địa phương của Khánh Hòa thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22 CT/TU và các văn bản, quy định pháp luật có liên quan công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Tuyệt đối không được buông lỏng trách nhiệm quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các trường hợp sai phạm.
Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng yêu cầu người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Đối với cán bộ, công chức… nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm kể từ sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU cần phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn.
Người đứng đầu địa phương tăng cường kiểm soát, rà soát kỹ khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách, nhập thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất, phân lô bán nền trái phép có quy mô lớn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa đánh giá, thời gian vừa qua tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đặc biệt là tại huyện Cam Lâm tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn không có dấu hiệu suy giảm thậm chí còn rầm rộ hơn.
Theo ông Hoàng, tình trạng phân lô bán nền tràn lan và kéo dài nếu không có phương án kiểm soát hệ quả trước mắt sẽ để lại cho người dân địa phương mất nguồn thu nhập trực tiếp từ sản xuất kinh doanh. Các khu đất triển khai phân lô bán nền không lập dự án đầu tư dẫn đến tình trạng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, trực tiếp phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị hình thành số lượng lớn các khu dân cư đi vào “ngõ cụt”.
Theo Khoản 2 Điều 35 Luật đất đai 2013, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.