Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Huyện đảo Lý Sơn được hình thành từ hoạt động của núi lửa từ hàng triệu năm trước. Sự phun trào và quá trình nguội tắt của núi lửa cùng những tác động của thiên nhiên hàng chục triệu năm đã tạo nên nhiều bãi, vách đá trầm tích với muôn hình kỳ thú.
Hiện nay, trên đảo này hiện còn vết tích của 10 miệng núi lửa lớn nhỏ, trong đó có 3 miệng núi lửa nằm dưới đáy biển, 5 miệng núi lửa lớn nhỏ ở đảo lớn và 1 ở đảo bé. Các miệng núi lửa được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm.
Miệng núi lửa trên núi Thới Lới có từ triệu năm trước. Ảnh internet
Thới Lới là ngọn núi lửa lớn nhất trên đảo Lý Sơn. Đỉnh núi Thới Lới cao gần 170m, đây cũng là điểm cao nhất trên đảo. Ngọn núi lửa này có đường kính đáy 1,4km, đường kính miệng 0,35km. Miệng núi lửa có niên đại phun nổ cách nay khoảng 1 triệu năm.
Hiện tại, miệng núi lửa Thới Lới được tận dụng xây dựng thành hồ chứa nước ngọt với dung tích 270.000m3, được đưa vào sử dụng tháng 5/2012. Đây là công trình mang ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nguồn nước ngọt trên đảo Lý Sơn khá khan hiếm.
Quá trình phun trào của núi lửa Thới Lới cũng đã tạo nên những cảnh quan ngoạn mục, đặc biệt là vách đá Hang Câu. Vách đá hang Câu kỳ vĩ uốn lượn bao bọc dấu tích miệng núi lửa Thới Lới.
Hang Câu - Một kiệt tác thiên nhiên ở Lý Sơn. Ảnh internet
Cách Thới Lới không xa là miệng núi lửa Giếng Tiền - Di tích cấp quốc gia còn lại trên đảo. Đây là một trong những ngọn núi lửa ở Việt Nam sở hữu cảnh quan thiên nhiên siêu thực, khiến ai đã từng ghé thăm đều trầm trồ mãi không thôi. Với lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước cùng nhiều núi lửa tại vùng đảo này, đến nay Giếng Tiền đã ngưng hoạt động hoàn toàn.
Ngọn núi đang là địa điểm du lịch khám phá hot trong những ngày gần đây bởi vì ngọn núi chỉ cao khoảng 86m nên rất dễ để bạn tham quan, khám phá.
Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi lửa này tự một cái hố khổng lồ xanh biếc nổi bật giữa hòn đảo tươi đẹp, bao quanh là đồng ruộng, làng mạc, nhà cửa và màu xanh ngọc bích của biển cả mênh mông. Điểm nhấn của núi lửa Giếng Tiền nằm ở phần miệng hình lòng chảo rộng hàng trăm mét, bên trong là đất đỏ màu mỡ tạo điều kiện phát triển cho thảm thực vật xanh tươi, bao phủ hoàn toàn không gian rộng lớn.
Giếng Tiền - Một miệng núi lửa nằm cạnh miệng núi lửa nhỏ hơn là Hòn sỏi. Ảnh internet
Sự phun trào của núi Giếng Tiền tạo thành những nham thạch lớn nhỏ tại vùng biển xung quanh. Một trong những kiệt tác đó là cổng tò vò, ngày nay là nơi check-in siêu bí ẩn của giới trẻ khi đến với Lý Sơn.
Đặc biệt, đất ở núi Giếng Tiền là đất đỏ bazan. Sở dĩ, vùng đất này có màu đỏ bazan là vì núi lửa bị phong hoá mà thành. Đất đỏ bazan có nhiều giá trị về mặt nông nghiệp. Người dân đảo Lý Sơn thường lấy đất về rải lên ruộng cùng với cát biển, tạo thành lớp phân để bón tỏi. Nhờ vậy tỏi Lý Sơn có hương vị thơm ngon và trở thành đặc sản nổi tiếng tại Lý Sơn.
Cổng tò vò huyền ảo trong ánh bình minh. Ảnh internet
Miệng núi lửa thứ 3 trên hòn đảo xinh đẹp này là Hòn Sỏi. Hòn Sỏi nằm ở đảo Bé (An Bình), miệng núi lửa Hòn Sỏi là một miệng núi lửa cổ, mang giá trị địa chất quan trọng và góp phần tạo nên sự độc đáo về cảnh quan thiên nhiên cho đảo Lý Sơn.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho thấy cụm núi lửa ở Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận phát lộ nhiều loại đất đá, nham thạch tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau trong giai đoạn Kỷ đệ tứ, khoảng 11 triệu đến 4.500 năm trước.
Miệng núi lửa Hang Sau ở đảo bé Lý Sơn. Ảnh internet
Hiện Quảng Ngãi đã mời chuyên gia giúp hoàn thành hồ sơ kiến nghị UNESCO công nhận Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận thành công viên địa chất toàn cầu.
GS Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu ghi nhận, các tiêu chí về di sản địa chất ở đảo Lý Sơn và Bình Châu hết sức độc đáo, hội đủ điều kiện trở thành công viên địa chất toàn cầu.