Hoạt động kiểm kê khí nhà kính tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế

(CL&CS) - Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu nên về cơ bản hoạt động liên quan đến kiểm kê khí nhà kính của chúng ta cũng phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Giảm phát thải khí nhà kính dần trở thành yêu cầu bắt buộc thay vì tự nguyện. (Ảnh minh họa)

Kiểm kê khí trong nhà kính hay còn gọi là kế toán carbon là hoạt động, quy trình xác định và báo cáo lượng phát thải (Green House Gas – GHG) từ dự án, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc quốc gia. Theo quy định, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc 6 lĩnh vực sau phải được kiểm kê khí trong nhà kính:

Thứ nhất là lĩnh vực năng lượng, gồm các ngành khai thác than và dầu khí tự nhiên; công nghiệp sản xuất năng lượng, hạt nhân; thương mại và ngành dịch vụ dân dụng.

Thứ hai là lĩnh vực giao thông vận tải, gồm các ngành tiêu thụ nguồn năng lượng (như dầu khí,…).

Thứ ba là lĩnh vực xây dựng, gồm các ngành tiêu thụ và sản xuất vật liệu xây dựng.

Thứ tư là lĩnh vực công nghiệp, gồm các ngành sản xuất hóa chất; luyện kim, điện tử; sản xuất và sử dụng các sản phẩm trong công nghiệp; sử dụng các sản phẩm thay thế làm suy giảm tầng ozon.

Luyện kim là 1 trong 6 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Thứ năm là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, gồm các ngành chăn nuôi, trồng trọt; thay đổi, cải tạo sử dụng đất; lâm nghiệp; nuôi trồng thủy sản, các nguồn phát thải khác.

Thứ sáu là lĩnh vực chất thải, gồm các ngành xử lý chất thải hoặc nước thải; bãi chôn lấp chất thải rắn; thiêu đốt chất thải; xử lý chất thải sinh học.

Nói về sự khác nhau của vấn đề kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam và trên thế giới, ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận quốc tế chống biến đổi khí hậu nên về cơ bản hoạt động liên quan đến kiểm kê khí nhà kính của Việt Nam cũng phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, do điều kiện của Việt Nam mà việc áp dụng hiện đang có giới hạn. Cụ thể, đối với kiểm kê khí nhà kính thì việc trước hết là phải xác định được đầy đủ, chính xác các nguồn phát thải, trực tiếp và gián tiếp. Theo quốc tế, ở cấp độ kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp, người ta phân loại 6 nguồn thải gồm 01 nguồn trực tiếp và 05 nguồn gián tiếp. Tuy nhiên, theo quy định bắt buộc hiện nay ở Việt Nam mới chỉ yêu cầu kiểm kê 02 nguồn gồm 01 nguồn trực tiếp và 01 nguồn gián tiếp (do sử dụng năng lượng từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và các nhiên liệu khác có liên quan). Trong khi đó các nguồn khác phát sinh từ hoạt động vận chuyển, sử dụng sản phẩm... chưa được quy định bắt buộc.

Như vậy, kết quả kiểm kê chưa toàn diện, chưa phản ảnh đầy đủ lượng phát thải của doanh nghiệp, dẫn tới độ đảm bảo không cao và sau này doanh nghiệp khó được chấp nhận kết quả nếu muốn giao dịch quốc tế. Vì vậy, ông Dũng cho hay, doanh nghiệp nên áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 14064-1 vào hoạt động kiểm kê của mình. Đây là tiêu chuẩn Việt Nam hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó kết quả kiểm kê sẽ bao gồm tất cả các nguồn phát thải có thể tính toán và đo lường được, đáp ứng yêu cầu quốc tế.

TIN LIÊN QUAN