Đánh giá hiệu quả công việc giúp đo lường hiệu quả các hoạt động và quyết định trong doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, hoạt động đánh giá ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với mọi mặt đời sống. Mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có cách thức và tiêu chuẩn đánh giá khác nhau sao cho phù hợp.
Đối với các hệ thống quản lý, việc đánh giá được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo hệ thống quản lý được xây dựng, duy trì hiệu quả, cải tiến, đổi mới liên tục, định hướng cho các tổ chức, doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định ý nghĩa của hoạt động đánh giá khi áp dụng các hệ thống quản lý bởi phải đánh giá mới đo lường được hiệu quả công việc.
Xét theo TCVN ISO 19011:2018 về Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý, đánh giá là quá trình có hệ thống, độc lập và được lập thành văn bản để thu được bằng chứng khách quan và xem xét đánh giá chúng một cách khách quan nhằm xác định mức độ thực hiện các chuẩn mực đánh giá.
TCVN ISO 19011:2018 thay thế cho TCVN ISO 19011:2013 và hoàn toàn tương đương với ISO 19011:2018. Tiêu chuẩn này nhằm áp dụng cho phạm vi rộng người sử dụng, bao gồm chuyên gia đánh giá, tổ chức áp dụng hệ thống quản lý và tổ chức cần thực hiện đánh giá hệ thống quản lý vì lý do hợp đồng hoặc pháp lý.
Theo đó, có 3 loại hình đánh giá, gồm: Đánh giá bên thứ nhất – là đánh giá nội bộ; tự đánh giá do doanh nghiệp, tổ chức tự thực hiện; Đánh giá bên thứ hai – là đánh giá nhà cung cấp bên ngoài hoặc đánh giá các bên quan tâm bên ngoài khác; Đánh giá bên thứ ba – là đánh giá chứng nhận và/hoặc công nhận, đánh giá theo luật định, chế định và tương tự.
Nhằm hướng đến mục tiêu cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc đánh giá hiệu quả hệ thống quản lý của doanh nghiệp đang trở thành một công cụ, một phương pháp ngày càng quan trọng.
Một số lợi ích của hoạt động đánh giá có thể kể đến như đánh giá hiệu quả công việc giúp đo lường hiệu quả của các hoạt động và quyết định trong doanh nghiệp. Từ đó cho phép các nhà quản lý biết được những gì đang hoạt động tốt và những gì cần được cải thiện. Đồng thời, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, giải quyết những vấn đề và sự không phù hợp còn tồn đọng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, hoạt động đánh giá giúp tăng cường sự minh bạch trong doanh nghiệp, cho phép các nhà quản lý và nhân viên biết được mục tiêu và tiêu chuẩn của doanh nghiệp, tạo ra môi trường làm việc minh bạch và công bằng.