Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long lấn mạnh sân chơi bất động sản

(CL&CS) - Tập đoàn Hòa Phát vừa góp thêm 3.300 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát lên 6.000 tỷ đồng. Được biết, đây là doanh nghiệp có tuổi đời non trẻ, được thành lập vào 8/12/2020 với vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng.

Ngoài lĩnh vực cốt lõi là thép, Hòa Phát đã và đang lấn sân mạnh sang nông nghiệp và bất động sản.

Ngoài lĩnh vực cốt lõi là thép, Hòa Phát đã lấn sân sang lĩnh vực công nghệ cao, an toàn sinh học từ giữa năm 2015 với các mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm. Đặc biệt là lĩnh vực bất động sản sẽ do CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát (BĐS Hòa Phát) đảm nhiệm. Lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm bất động sản khu công nghiệp và đô thị.

Ở lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 4 khu công nghiệp: Phố Nối A (594ha), Bắc Phố Nối (262ha) và Yên Mỹ (169ha) tại tỉnh Hưng Yên; Hòa Mạc (200ha) tại Hà Nam.

Ở lĩnh vực bất động sản nhà ở, Hòa Phát đang tập trung tại thị trường có tính thanh khoản cao như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… Hòa Phát đã triển khai 3 dự bất động sản tại Hà Nội, gồm: Dự án văn phòng tại 257 Giải Phóng (1.370m2), khu phức hợp Mandarin Garden tại Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy (25.886m2), khu phức hợp Mandarin Garden 2 tại 493 Trương Định, Hoàng Mai.

Hòa Phát đang triển khai dự án khu công nghiệp Yên Mỹ II (Hưng Yên) quy mô 107ha, khu đô thị Bắc Phố Nối (Hưng Yên) quy mô 262ha và khu chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh (Hà Nội).

Ở mức 6.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của BĐS Hòa Phát lớn hơn hàng loạt doanh nghiệp địa ốc có tên tuổi trên sàn chứng khoán như: CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land)…

Các dự án bất động sản Hòa Phát đã triển khai và phát triển. (Nguồn: Hòa Phát)

Với tiềm lực đang có, Hòa Phát đã đề xuất nhiều dự án bất động sản tại Cần Thơ, Khánh Hòa trong năm 2021.

UBND TP. Cần Thơ có văn bản chấp thuận cho Hòa Phát khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 4 dự án lớn tại Cần Thơ với tổng quy mô 826,44 ha. Đó là, dự án khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại Q. Bình Thủy, quy mô khoảng 452 ha; khu đô thị thương mại - dịch vụ 88,2 ha (khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha) tại P. Phú Thứ, Cái Răng; khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 6,24 ha tại Lê Lợi và Trần Văn Khéo, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều; khu đô thị, thương mại, dịch vụ cao cấp tại khu đất thuộc phân khu BT-4, P. Long Hòa, Q. Bình Thủy với quy mô sử dụng đất 280ha.

Tại tỉnh Khánh Hòa, Hòa Phát bắt tay cùng Tập đoàn KDI Holdings đề xuất lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dọc hai bên sông Cái Nha Trang và thực hiện 3 dự án có tổng diện tích hơn 2.849 ha tại TX. Ninh Hòa.

Trong đó, tại TX. Ninh Hòa thuộc địa phận các xã Ninh Xuân, Ninh Sim và Ninh Tây, hai tập đoàn trên mong muốn xây dựng vùng kinh tế động lực trọng điểm với đầy đủ chức năng như khu công nghiệp tổng hợp đa ngành quy mô 1.300 ha; khu du lịch, dịch vụ suối khoáng nóng Trường Xuân quy mô 49 ha và khu đô thị dịch vụ, sân golf quy mô 1.500 ha.

Kết thúc năm 2021, Hòa Phát ghi nhận bước tiến lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi doanh thu và lợi nhuận đều xếp hạng hai trên sàn chứng khoán. Doanh thu đạt 149.680 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 37.057 tỷ đồng, tăng lần lượt 36,5% và 168,3% so cùng kỳ năm trước.

Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 23/2, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đạt 46.400 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa đạt 207.544 tỷ đồng, giữ hạng 5 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), chỉ xếp sau Vietcombank (410.782 tỷ đồng), Vinhomes (347.479 tỷ đồng), Vingroup (313.887 tỷ đồng) và PV GAS (228.717 tỷ đồng).

Ở mức giá 46.400 đồng/cổ phiếu, HPG đứng yên so với đầu năm nhưng giảm 20,5% so với mức đỉnh được thiết lập vào 18/10/2021 khiến vốn hóa bốc hơi 53.676 tỷ đồng. Hiện nay, cổ phiếu HPG đang giao dịch ở mức P/E = 6 lần và P/B = 2,3 lần.

TIN LIÊN QUAN