Sau 18 tháng chống chọi với đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng sâu rộng của nó tác động lên khắp mọi mặt của đời sống và nền kinh tế khiến nhiều ngành kinh doanh phải lao đao, trong đó bất động sản cũng không ngoại lệ khi thanh khoản giảm sút và gần như mất hút các doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, thiếu hụt lao động…
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?" vừa tổ chức trực tuyến mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay và chưa biết đến khi nào mới hết dịch, vì vậy, dù đầu tư ở phân khúc, khu vực nào thì nhà đầu tư bất động sản cũng cần phải xác định đây là "cuộc đua" đường trường.
Theo Tổng giám đốc Phú Đông Group, đối với vùng ven, khu vực giáp ranh TP.HCM, nhà đầu tư nên thận trọng khi chọn mua ở những khu vực này. Bởi trước hết là dòng tiền dài hạn vì bất động sản tỉnh lẻ còn gắn với câu chuyện hạ tầng, không phải vùng nào cũng có thể "đánh nhanh thắng nhanh". Đồng thời, khi đầu tư bất động sản vùng ven, nhà đầu tư nên chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu của đại đa số người mua. Đối với sản phẩm giáp ranh các thành phố lớn là nhà thì nhà có giá khoảng 2-3 tỷ sẽ có thanh khoản rất tốt, nhà đầu tư không nên chọn các bất động sản có mức giá từ 10 tỷ trở lên vì sản phẩm này gần như rất khó ra hàng.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, trước khi xuống tiền cho các sản phẩm bất động sản tỉnh lẻ, nhà đầu tư cũng cần lưu ý kỹ các vấn đề chủ yếu như: phải xác định đầu tư dài hạn; phải có cái sự chuẩn bị về mặt tài chính và có kế hoạch cụ thể, luôn có kế hoạch phòng trừ trong trường hợp rủi ro hay thị trường biến động; phải luôn luôn có sự theo dõi về biến động thị trường.
Nói về thời điểm thích hợp để ra quyết định mua hoặc bán trong bối cảnh hiện nay, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, không ít người mua và cả người bán đang chờ đến tháng 10. Đây là thời điểm có thể sẽ nới lỏng giãn cách xã hội nếu kiểm soát được dịch tại khu vực phía Nam và cũng là thời điểm mà nhiều công ty dự báo sẽ có đợt thanh khoản mạnh do những nhà đầu tư sẵn tiền mặt bắt đầu "bắt đáy" thị trường.
Bên cạnh bối cảnh chung của thị trường, ông Hiển cho rằng, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ về túi tiền của mình để ra quyết định phù hợp. Đối với những nhà đầu tư đang "ôm" nhiều tài sản và thật sự gặp khó khăn thì nên chấp nhận bán bớt các bất động sản còn thanh khoản và giá ít bị ảnh hưởng nhất, để cấu trúc lại khoản nợ.
Cũng theo ông Đinh Thế Hiển, hiện nay khi đầu tư phải xác định đầu tư dài hạn. Cơ hội chỉ thực sự đến với những người biết chờ đợi và với nhà đầu tư cá nhân thì luôn luôn có cơ hội. Các nhà đầu tư tham gia thị trường trong khoảng thời gian 3 -5 năm sẽ chọn lúc thị trường khó khăn, đi xuống để bỏ tiền đầu tư. Với những nhà đầu tư lướt sóng thì lại chọn đầu tư khi thị trường đang lên. Với các nhà đầu tư cá nhân, chỉ nên mua những vùng nào sẽ có đô thị hóa, sẽ có dân sinh sống và mua phải chấp nhận chờ đợi trong trung - dài hạn thì cơ hội mới lớn.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay không phải nhà đầu tư không có tiền mà họ đang găm dòng tiền để chờ thị trường thật sự ổn định trở lại rồi đầu tư nên phần lớn họ gửi ngân hàng, hoặc đầu tư nhỏ giọt vào chứng khoán hay bỏ vào các kênh đầu tư khác mỗi nơi một ít. Bởi hiện tại, nếu bỏ tiền vào bất động sản thì cũng phải tiếp tục chờ, thậm chí, kể cả khi dịch qua đi thì cũng cần đến một khoảng thời gian dài hơi để thị trường ổn định rồi mới có thể quay về dòng chảy đầu tư như trước.
Theo các chuyên gia nhận định, với tình hình như hiện nay rất khó kiếm lời từ bất động sản, thậm chí hình thức đầu tư “lướt sóng” gần như không còn hữu hiệu. Do đó, thị trường sẽ vẫn tiếp tục lặng sóng cho đến năm 2022 hoặc đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan rằng, với tỷ suất sinh lời hấp dẫn cũng như sự ổn định và bảo toàn dòng vốn, bất động sản vẫn sẽ là thị trường phục hồi tốt hơn so với các kênh đầu tư còn lại.