Ba tay chơi mới
Kakao Mobility từ Hàn Quốc bước vào thị trường gọi xe Việt Nam với dịch vụ có tên Tada từ ngày 15/1/2020 sau khi đối tác của họ là MVLLabs ở Singapore gọi thêm được 5 triệu USD trong vòng gọi vốn series A.
Tada bắt đầu quảng bá dịch vụ và thông báo tìm kiếm đối tác tài xế từ tháng 11/2019. Ban đầu Tada có ý định hoạt động ở hai mảng xe máy và xe hơi ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Nhưng theo Business Korea, Tada hiện gói gọn trong việc đưa đón du khách, chủ yếu nhắm vào du khách Hàn Quốc, từ sân bay quốc tế Đà Nẵng về trung tâm thành phố Đà Nẵng và Hội An.
Một ứng dụng gọi xe khác có tên UniCar do nhóm nhà kinh doanh trẻ ở Nghệ An đang hình thành. Các dịch vụ bao gồm xe máy UniBike, xe hơi UniCar, giao nhận hàng nhanh UniFast, dịch vụ vận tải UniTruck và thuê xe tự lái UniRent. Tuy nhiên, ứng dụng này chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm ở thành phố Vinh thuộc Nghệ An. Hãng này nói sẽ sớm mở rộng hoạt động đến Huế và Đà Nẵng trong tương lai gần.
ZuumViet với đồng phục tài xế màu tím đang gây tò mò với người tiêu dùng. Hãng này đang tuyển mộ tài xế để có thể sớm khai trương. ZuumViet sẽ cung cấp dịch vụ xe máy ZuumBike, xe hơi 4-7 chỗ ZuumCar và xe sang ZuumLux (với dòng xe Audi hay BMW).
ZuumViet thu hút tài xế từ các hãng đối thủ và bị tố là “mô hình đa cấp”. (Ảnh: VNM). |
Ai sẽ sớm tham gia cuộc đua?
Như vậy, thị trường gọi xe công nghệ sẽ trở nên khốc liệt hơn trong năm 2020. Các chuyên gia công nghệ tin rằng các hãng mới sẽ tung tiền để thực hiện các chiến dịch khuyến mãi thu hút người dùng và đối tác tài xế. Và có thể họ sẽ lập lại sai lầm mà các hãng đi trước đã vấp phải: Đốt tiền cho đến khi hết vốn thì phải thay đổi chiến lược kinh doanh như Go-Viet hay beGroup!
Đến giờ, có vẻ như ba tân binh vẫn chưa áp dụng chiến lược đó - theo nhận định của chuyên gia quản trị L.T. T vốn theo dõi sát thị trường xe công nghệ.
Tình hình kinh doanh của Tada sẽ khá là “ảm đạm” cho đến khi bệnh viêm phổi cấp do vi rút Covid-19 được khống chế hoàn toàn và du khách Hàn Quốc bắt đầu trở lại Việt Nam. Hôm 11/2 chính phủ Hàn Quốc khuyến cáo công dân nước mình “không thực hiện các chuyến đi không cần thiết”. Tiếp đó, hãng hàng không T’way tuyên bố hoãn các chuyến bay từ các hãng hàng không Hàn Quốc tạm đình hoãn hay giảm các chuyến bay đến Việt Nam cho đến hết tháng 3/2020.
Tuyên bố ra mắt từ tháng 11/2019, chỉ một tháng sau là ZuumViet có hoạt động tuyển dụng và đào tạo tài xế. Sau gần ba tháng rầm rộ trên truyền thông và mạng xã hội, hiện xe của ZuumViet vẫn chưa lăn bánh và sắc tím đồng phục vẫn chưa tràn các con đường ở TP.HCM như hãng quảng cáo qua Facebook. Mức giá dịch vụ xe máy và xe hơi của ZuumViet tương đương hoặc rẻ hơn chút so với Grab, Go-Viet, FastGo và be!
Trong khi đó, UniCar vẫn chưa thấy động tĩnh nào. Cả ZuumViet và UniCar vẫn bị cho là đang cố gắng thu hút tài xế theo “mô hình đa cấp” hơn là một hãng xe công nghệ.
Nhiều hãng xe công nghệ xuất hiện trên thị trường, nhưng về đích thì rất ít! (Ảnh: V.M.) |
"Đốt xăng”
Các hãng mới và ngay cả các hãng đang tồn tại trên thị trường có vẻ như đang gặp tình thế “tiến thoái lưỡng nan”
Đưa ra giá rẻ hơn và thực hiện khuyến mãi để thu hút khách cùng đối tác tài xế thì được xem là “đốt tiền”, mà khi đã lâm trận thì không thể đốt lắt nhắt. “Tình hình của các hãng xe công nghệ như một cuộc chạy xe đua. Hãng nhỏ ít tiền thì như xe có bình xăng nhỏ, cố gắng dè xẻn nhiên liệu càng lâu chừng nào càng tốt chừng đó. Hãng lớn tiền bạc rủng rỉnh như xe có bình xăng lớn, có hao xăng hơn nhưng bình xăng của họ quá lớn và đủ sức chạy đường trường. Kẻ chiến thắng là đủ sức chạy cán đích, trong khi các hãng nhỏ chỉ chạy giữa đường thì bỏ cuộc vì hết xăng”, chuyên gia L.T.T. nhận định.
Nhưng “đốt tiền” giống như “đốt xăng”, tự làm khó mình. Không có khuyến mãi hay ưu đãi, các hãng xe khó tìm khách và giữ chân tài xế.
Khách hàng luôn chờ đợi các khuyến mãi của các hãng. Và họ chuyển dần sang các dịch vụ có khuyến mãi cao hơn và nhiều hơn. Tài xế cũng vậy! Các hãng mới và các hãng đang tồn tại trên thị trường sẽ đối phó với tình trạng vắng khách nếu như họ không mang lại cho khách hàng cái họ đang chờ đợi! Nhưng quan trọng hơn, cái chính vẫn là sự ổn định chất lượng dịch vụ mà các hãng mang lại. Đây là yếu tố quyết định thành công.
“… Thành công chỉ là nhất thời khi các hãng chi tiền để thực hiện khuyến mãi và các chính sách ưu đãi ban đầu. Khách hàng lẫn tài xế sẽ có xu hướng quay về ứng dụng có ưu thế hơn trên thị trường”, nhà phân tích James Hodgson của ABI Research nhận định.
Cuộc đua đường trường ban đầu khá nhiều đối thủ, nhưng khi về đích rất ít hãng có đủ "xăng" tức trường vốn để chạy!
"Đó là những hãng đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ", ông L.T.T. kết luận.
Ricky Hồ