Được ký kết ngày 15/11/2020, RCEP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất hiện nay mà Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới, chiếm 32% GDP toàn cầu. Đến nay, hiệp định này chưa có hiệu lực, do cần có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước ngoài khối phê chuẩn. Gần đây nhất, Trung Quốc đã phê chuẩn RCEP vào ngày 8/3.
Tại hội thảo “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, các quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP được cho là “dễ thở" hơn và không quá khó khăn đối với các doanh nghiệp muốn vận dụng để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng của khu vực ASEAN và các đối tác của khu vực này.
Làm rõ những điểm mới về quy tắc xuất xứ được quy định trong RCEP so với các FTA khác, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Khu vực TP.HCM, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, các quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho doanh nghiệp khi thực thi, hiệp định này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực.
Ông Bình chỉ ra dẫn chứng ví dụ như với hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Đây chính là thời gian doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ về chiến lược để sẵn sàng tận dụng cơ hội và thích ứng các thách thức khi RCEP có hiệu lực. Ảnh: ST
Theo các chuyên gia và diễn giả, khác với một số các FTA trước, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.
Quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam "gỡ khó" về xuất xứ nguyên phụ liệu để sản xuất thành phẩm mà còn giúp nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi khu vực ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam vượt hàng chục tỷ đô la mỗi năm.
Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
So sánh RCEP với các FTA Việt Nam đang thực thi, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia kinh tế Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định RCEP sẽ giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập cho Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở rộng thị trường và tham gia sâu vào chuỗi giá trị, RCEP cũng sẽ kéo theo những thách thức về nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chính là thời gian doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ về chiến lược để sẵn sàng tận dụng cơ hội và thích ứng các thách thức khi hiệp định có hiệu lực.
Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương 19 của RCEP.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh RCEP sẽ được thực thi trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cũng đưa ra các phân tích và khuyến nghị về các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình giao dịch của doanh nghiệp, chẳng hạn như tranh chấp về xuất xứ hàng hóa, về hợp đồng mua bán, sở hữu trí tuệ… Đây là các tranh chấp vốn đã tồn tại, nhưng khi đặt trong bối cảnh RCEP, chuyên gia dự đoán rằng các tranh chấp này sẽ có xu hướng tăng và nếu không thận trọng, các tranh chấp nhỏ này sẽ dễ dẫn đến các tranh chấp lớn hơn, phức tạp hơn.