Công cụ quản lý hiện đại giúp doanh nghiệp tối ưu năng suất
HACCP là hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và xác định các điểm kiểm soát tới hạn, nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các mối nguy về sinh học, hóa học, vật lý xuống mức chấp nhận được. Hệ thống này không chỉ tập trung vào việc kiểm soát sản phẩm cuối cùng, mà xuyên suốt mọi công đoạn sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ.
Quy trình sản xuất được tổ chức khoa học hơn, giúp giảm lãng phí, tối ưu hóa hiệu quả vận hành và duy trì sự ổn định của năng suất
Theo các chuyên gia quản lý chất lượng, lợi ích lớn nhất của HACCP đối với doanh nghiệp chính là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, từ đó củng cố niềm tin khách hàng, nâng cao uy tín thương hiệu. Việc áp dụng HACCP còn giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu sai lỗi và chi phí tái chế hoặc thu hồi sản phẩm lỗi. Quy trình sản xuất được tổ chức khoa học hơn, giúp giảm lãng phí, tối ưu hóa hiệu quả vận hành và duy trì sự ổn định của năng suất. Đồng thời, HACCP giúp doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng yêu cầu pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đây cũng là nền tảng để tích hợp với các hệ thống quản lý tiên tiến khác như ISO 22000, FSSC 22000, xây dựng văn hóa chất lượng trong toàn doanh nghiệp.
Cải thiện an toàn thực phẩm: HACCP là một phương pháp hệ thống nhằm nhận diện, đánh giá và kiểm soát các mối nguy có thể xảy ra trong quá trình sản xuất thực phẩm. Bằng cách áp dụng HACCP, doanh nghiệp sẽ xác định được những điểm kiểm soát tới hạn (CCPs) và thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả, từ đó giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Tăng cường uy tín thương hiệu: Khi doanh nghiệp cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như HACCP, họ sẽ xây dựng được lòng tin từ phía khách hàng và đối tác. Một thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ thu hút khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường.
Đáp ứng yêu cầu pháp lý: Hầu hết các quốc gia đều có các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Việc áp dụng HACCP không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ những yêu cầu này mà còn chuẩn bị cho các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng. Điều này giúp tránh được các hình phạt hoặc rắc rối pháp lý.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất thực phẩm: Hệ thống HACCP giúp xác định những công đoạn trong quy trình sản xuất có thể tiềm ẩn nguy cơ. Những bước này được gọi là điểm kiểm soát quan trọng, tại đó doanh nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu thiệt hại của mối nguy xuống mức có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, để đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng, HACCP yêu cầu tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên. Nếu phát hiện bất kỳ sai lệch nào so với các tiêu chuẩn đã đặt ra, các sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ được xử lý ngay lập tức. Điều này giúp chuẩn hóa quy trình sản xuất thực phẩm và cung cấp các biện pháp khắc phục để đảm bảo các yêu cầu của tiêu chuẩn được duy trì đầy đủ.
Nâng cao hiệu quả và năng suất: Việc triển khai hệ thống HACCP có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm xác định các lĩnh vực cần cải tiến để áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp nhằm giúp nâng cao hiệu quả và tăng năng suất. Từ đó chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.
Khả năng mở rộng thị trường: Doanh nghiệp có chứng nhận HACCP có lợi thế lớn trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế, nơi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Việc này mở ra cơ hội xuất khẩu và phát triển kinh doanh, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô và gia tăng doanh thu.
Đơn giản hóa việc kiểm tra: Hệ thống HACCP không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn đơn giản hóa quá trình kiểm tra của các cơ quan quản lý. Bằng cách chứng minh việc tuân thủ các nguyên tắc HACCP, doanh nghiệp có thể thể hiện cam kết của mình đối với an toàn thực phẩm, giúp cho việc kiểm tra đánh giá suôn sẻ hơn. Đồng thời góp phần tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Masan PQ khẳng định vị thế nhờ áp dụng HACCP
Với những lợi ích toàn diện trên, HACCP đã được áp dụng rộng rãi trong ngành thực phẩm, đồ uống, thủy sản, chế biến nông sản… tại Việt Nam. Công ty Cổ phần Masan PQ là một trong những doanh nghiệp tiên phong tận dụng triệt để công cụ này để bứt phá về năng suất và chất lượng.
Chất lượng của sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo với dây chuyền chiết rót, đóng chai tự động khép kín chặt chẽ từng khâu
Công ty Cổ phần Masan PQ, trực thuộc Tập đoàn Masan, là đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm cao đạm công nghiệp lớn tại Việt Nam, đặt trụ sở sản xuất chính tại Phú Quốc – cái nôi của nước mắm Việt. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Masan PQ không chỉ giữ vững hương vị truyền thống, mà còn tập trung hiện đại hóa sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. HACCP chính là một trong những công cụ quản lý cốt lõi được Masan PQ lựa chọn.
Ra đời ngày 27/6/2007, Masan PQ khởi đầu với diện tích 15.000m² và sau 18 năm phát triển, nhà máy đã mở rộng quy mô lên 22.000m², gần 500 thùng ủ chượp nước mắm, đóng chai trên dây chuyền sản xuất khép kín theo chuẩn quốc tế. Tính đến nay, Masan PQ đã ủ chượp hơn 100.000 tấn cá, sản xuất khoảng 83 triệu lít nước mắm cốt - minh chứng rõ nét cho năng lực sản xuất vượt trội và sự gắn kết lâu dài với nghề làm nước mắm.
Trước khi triển khai HACCP, hệ thống kiểm soát của Masan PQ chủ yếu dựa trên việc kiểm tra chất lượng thành phẩm. Điều này khiến công ty nhiều lần đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn khi phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu vào phút chót, gây lãng phí lớn. Từ năm 2022, Ban lãnh đạo Masan PQ quyết định đầu tư đào tạo, huấn luyện toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng, nhân viên vận hành, đồng thời thuê tư vấn thiết lập hệ thống HACCP phù hợp với đặc thù sản xuất nước mắm.
Quy trình ủ chượp nghiêm ngặt trong thùng gỗ suốt 9 đến 12 tháng
Nhờ phân tích mối nguy toàn diện, Masan PQ đã xác định 5 điểm kiểm soát tới hạn (CCP) trong quy trình sản xuất, bao gồm kiểm soát chất lượng nguyên liệu cá tươi và muối, kiểm soát vệ sinh thùng ủ, kiểm soát quá trình ủ chượp, lọc tinh và chiết rót đóng chai. Tại mỗi điểm, quy trình vận hành chuẩn (SOP) được thiết kế cụ thể, trang thiết bị kiểm tra, giám sát định kỳ được lắp đặt. Nhờ đó, công ty đã giảm tới 75% tỷ lệ sản phẩm lỗi so với giai đoạn trước.
Một trong những thành công rõ nét của Masan PQ khi áp dụng HACCP là cải thiện năng suất tổng thể. Trước đây, do chưa có hệ thống kiểm soát phòng ngừa khoa học, các sự cố như thùng ủ nhiễm vi sinh, chiết rót sai quy cách hay vệ sinh thiết bị không triệt để xảy ra khá thường xuyên, gây gián đoạn sản xuất. Sau khi triển khai HACCP, các bước kiểm soát phòng ngừa được thực hiện nghiêm túc, giúp duy trì môi trường sản xuất ổn định, giảm thời gian ngưng máy, nâng hiệu quả sử dụng nguyên liệu. Báo cáo nội bộ năm 2024 của Masan PQ cho thấy năng suất bình quân đã tăng 15%, tỷ lệ lãng phí giảm 10%, đồng thời chi phí xử lý sản phẩm hỏng giảm đáng kể.
Việc đạt chứng nhận HACCP cũng là “giấy thông hành” giúp Masan PQ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU – những nơi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Thương hiệu Masan PQ từng bước được khẳng định không chỉ nhờ chất lượng hương vị truyền thống, mà còn ở uy tín về độ an toàn, sạch sẽ, đồng đều. Thực tế, số lượng đơn hàng xuất khẩu của Masan PQ tăng trưởng gần 20% chỉ trong vòng một năm kể từ khi đạt chứng nhận HACCP.
Một trong những lợi ích lâu dài và sâu sắc nhất của việc áp dụng HACCP tại Masan PQ chính là tạo ra văn hóa chất lượng, an toàn trong toàn thể nhân viên. Không chỉ các bộ phận kiểm tra chất lượng mới chịu trách nhiệm, mà toàn bộ công nhân, quản lý đều được đào tạo về tầm quan trọng của từng công đoạn, ý thức vệ sinh cá nhân, nhận diện mối nguy tiềm ẩn. Những cải tiến nhỏ như bố trí lại khu vực rửa tay, phân luồng nguyên liệu sạch và nguyên liệu bẩn, hay thiết lập hệ thống cảnh báo tại các CCP đều thể hiện sự đồng lòng của tập thể công ty trong mục tiêu chung: đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất.
Không chỉ tiếp thu, kế thừa phương pháp ủ chượp cổ truyền, Masan PQ còn tiên phong trong việc chuẩn hóa quy trình sản xuất với hệ thống mã định danh điện tử cho từng thùng nước mắm cốt, giúp truy xuất đầy đủ thông tin như ngày nhập cá, số lượng, chất lượng và nguồn cung cấp. Song song đó, để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu tại nhiều thị trường quốc tế, mang tinh hoa ẩm thực Việt ra thế giới, Masan PQ áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quản lý quốc tế như ISO, HACCP, Codex, EU Code.
Với chiến lược Go Global, Masan đã liên tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phù hợp với khẩu vị toàn cầu đồng thời vẫn gìn giữ, tôn vinh được hương vị đặc trưng nước mắm Việt Nam. Năm 2024, với định hướng “Make Vietnamese Foods Global Foods”, Masan đã xuất khẩu hơn 6 triệu lít nước mắm sang Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của nước mắm Việt trên thị trường quốc tế.
Sau 18 năm hình thành và phát triển, Masan PQ vừa mở rộng quy mô vừa nâng cao chất lượng trong ngành nước mắm. Doanh nghiệp còn kết hợp hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và ứng dụng các quy chuẩn quản lý quốc tế, để phát triển bền vững và đa dạng trong ngành hàng gia vị Việt Nam.
HACCP không chỉ là công cụ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn là chiến lược nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm một cách bền vững. Áp dụng HACCP đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thay đổi từ tư duy đối phó sang tư duy phòng ngừa, chủ động. Nhờ HACCP, Masan PQ đã chứng minh rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể vừa gìn giữ truyền thống, vừa hiện đại hóa sản xuất, tăng trưởng năng suất và chất lượng, chinh phục những thị trường khó tính nhất.