Hà Nội sẵn sàng cung ứng đủ hàng hóa dịp tết Nguyên đán

(CL&CS) - Thành phố Hà Nội đã và đang có sự chuẩn bị kỹ lượng để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng như kiểm soát chất lượng hàng hóa dịp cao điểm cuối năm. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề này.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào để đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn dịp Tết, thưa bà?

Để chuẩn bị cho hàng hóa dịp cuối năm, đặc biệt là tết Nguyên đán, thành phố Hà Nội đã ban hành chương trình bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn Thành phố, với 11 mặt hàng thiết yếu, tổng trị giá khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết 2023.

Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa trong vòng khoảng ba tháng trước, trong và sau Tết. Hiện nay các doanh nghiệp đã dự trữ lượng hàng tăng hơn gấp ba lần so với lượng chỉ tiêu giao của Sở Công Thương Hà Nội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang kết hợp với nhà phân phối để ký kết các hợp đồng, đơn hàng và chuẩn bị đưa hàng về các kho dự trữ phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán năm 2004.

Thành phố có cách nào để có thể kiểm soát giá cả, cũng như chất lượng hàng hóa?

Thành phố Hà Nội đã đưa ra rất nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát. Trong 11 tháng năm 2023 chỉ số lạm phát của Hà Nội chỉ đạt có 1,8%, thấp hơn nhiều với chỉ tiêu 4,5% tại Nghị quyết của Quốc hội.

Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, cũng như kiểm tra chất lượng về an toàn thực phẩm, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, ban, cụ thể: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Các sở đều đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Công an và Ban chỉ đạo 389 của Thành phố cũng có các kế hoạch để kiểm tra trước, trong và sau Tết, nhằm đồng loạt ra quân kiểm soát tốt nhất chất lượng hàng hóa, kiềm chế lạm phát vào dịp cuối năm.

Hà Nội đã có sự kết nối như thế nào với các địa phương để có thể cung ứng hàng hóa trong dịp cao điểm này, đặc biệt là hàng hóa Ocop?

Thời điểm Tết nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân tăng cao, do đó lượng hàng hóa được khai thác từ các tỉnh, thành phố về rất lớn. Sở Công Thương Hà Nội cũng chú trọng đến các sản phẩm Ocop, những sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế để khai thác, đưa về các hệ thống phân phối trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội.

Hiện nay các sở Công Thương các địa phương đã gửi toàn bộ danh sách sản phẩm cần được kết nối, tiêu thụ mạnh trong cái dịp Tết về Sở Công Thương Hà Nội. Chúng tôi cũng đã gửi cho các hệ thống phân phối để tập trung kết nối với các sở công thương tỉnh, thành phố, đưa về Hà Nội những cái sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất phục vụ nhu cầu của người dân.

Bà đánh giá như thế nào về sức mua của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm?

Hiện nay trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng vẫn còn thắt chặt chi tiêu.

Theo chúng tôi nắm bắt, thông thường người dân cũng đã dành một khoản chi tiêu để sẵn sàng chi tiêu trong dịp Tết. Do đó, chúng tôi dự kiến là lượng tiêu thụ hàng hóa năm nay vẫn có sự tăng trưởng thấp nhất là 5% và cao nhất có thể đạt đến 10%.

Xin cảm ơn bà!

TIN LIÊN QUAN