Đó là tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn; Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình; Nghệ thuật trình diễn Hát quan làng của người Tày, huyện Quang Bình.
Người dân xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đan nón lá. Ảnh: Trung Hậu
Như vậy đến nay Hà Giang có tổng số 30 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng các dân tộc Hà Giang, là cơ sở để các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Giang là nơi cộng cư của cộng đồng 19 dân tộc, mỗi dân tộc ở Hà Giang có những giá trị văn hóa riêng, độc đáo, hấp dẫn. Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 6/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các chủ thể văn hóa tổ chức khảo sát đánh giá và xây dựng hồ sơ báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2023, tỉnh Hà Giang đã đệ trình ba hồ sơ gồm: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng Rừng của người Cờ Lao xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn; Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày xã Xuân Giang, huyện Quang Bình; Nghệ thuật trình diễn Hát quan làng của người Tày huyện Quang Bình. Đến ngày 10/11/2023 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các quyết định công bố ba di sản văn hóa phi vật thể này của Hà Giang vào trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023, nâng tổng số di sản văn phi vật thể của Hà Giang được đưa Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lên 30 di sản. Đây là niềm vinh dự tự hào của cộng đồng các dân tộc Hà Giang, là cơ sở để các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Người Tày ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, Hà Giang. Ảnh: T.L
Theo kết quả thống kê trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là những giá trị văn hóa độc đáo, hấp dẫn để Hà Giang thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang - động lực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng./.