Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

(CL&CS) - Năng suất, chất lượng là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất, kinh doanh, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tăng năng suất lao động giúp làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cũng đóng góp vào cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tìm giải pháp để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn

Có thể nói, đối với doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh tế và mở rộng thị trường hàng hóa. Theo báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong nhiều năm qua, biến động thị trường và tìm kiếm khách hàng luôn là 2 trong 5 khó khăn chính đối với các doanh nghiệp.

Để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thực hiện các giải pháp quản trị và đổi mới sáng tạo

Khó khăn chung hiện nay của cả thị trường là nguyên vật liệu, đầu ra, đầu vào. Để cạnh tranh với các đối thủ và các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, doanh nghiệp phải đổi mới về công nghệ, quản lý về vấn đề quản trị và tiết giảm chi phí để giảm giá thành cho khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thực hiện các giải pháp quản trị và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, áp dụng công nghệ mới, sáng tạo trong thương mại và xây dựng dự án kinh doanh…

Đối với phát triển thị trường, doanh nghiệp nên tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, trong phát triển sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp phải tìm giải pháp để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn theo các hiệp định thương mại tự do (FTA)…

Hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực. Doanh nghiệp vừa phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng phát huy nguồn nhân lực hiện có, vừa phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ bên ngoài. Song song với việc làm này là cần tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý của doanh nghiệp một cách gọn nhẹ, hoạt động hữu hiệu.

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là tăng cường đổi mới khoa học - công nghệ. Cần nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học - công nghệ trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Định vị rõ được vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và xây dựng, lựa chọn được định hướng, mục tiêu và chiến lược phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyên môn hóa, tích cực tham gia các chuỗi gia công, chế biến toàn cầu để nâng cao trình độ quản lý cũng như năng lực áp dụng công nghệ…

Doanh nghiệp áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất, chất lượng

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa, từ doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ ban đầu, sau đó liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ, sáng tạo không ngừng mà Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật VinaStar (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đang vươn lên hàng ngũ doanh nghiệp vừa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Năm 2019, doanh nghiệp này tham gia Dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công thương, do Viện Năng suất Việt Nam triển khai.

Đoàn chuyên gia thực hiện đo đạc khảo sát hiệu suất làm việc cho từng công đoạn tại VinaStar

Để giảm lãng phí trong sản xuất, VinaStar đã áp dụng các giải pháp: Bảo dưỡng phòng ngừa, giảm được việc mua vật tư, phụ tùng đột xuất; lắp robot lấy sản phẩm, giảm thao tác công nhân. Thông qua tự động hóa, 1 công nhân đứng được 2 máy, năng suất lao động tăng gấp đôi, thiết kế đường đi di chuyển nội bộ, phù hợp với dòng di chuyển của nguyên vật liệu và sản phẩm; giảm thao tác đứng máy, dán tem, tăng cường vệ sinh khuôn, lau dầu…

VinaStar hiện là một trong những công ty nhựa hàng đầu ở Việt Nam và trong số rất ít công ty có khả năng cung cấp cho khách hàng một giải pháp toàn diện thông qua quy trình khép kín từ khâu thiết kế khuôn, sản xuất khuôn, thử mẫu, sản xuất sản phẩm nhựa với công nghệ ép hoặc thổi, in hoặc dán nhãn.

Tổng Giám đốc Mai Khanh phấn khởi cho biết, các giải pháp cải tiến sản xuất được triển khai đã giúp VinaStar giảm tỷ lệ phế phẩm từ 4% xuống còn 1.1%; tỷ lệ trả hàng giảm từ 1% còn 0,5%; đặc biệt, dịch vụ làm thỏa mãn khách hàng đã đạt điểm 9. Đây là một động lực để người lao động chủ động nâng cao năng suất, từng bước cải thiện năng suất lao động góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Mô hình nâng cao năng suất, chất lượng tổng thể của VinaStar về cơ bản dựa trên các nền tảng và trụ cột là xây dựng mục tiêu chiến lược nâng cao năng suất chất lượng theo từng giai đoạn; nền tảng về quản trị nguồn nhân lực và khuyến khích người lao động; sử dụng hiệu quả công nghệ và thiết bị; quản lý hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh; phát triển tổ chức định hướng khách hàng; xây dựng văn hóa không ngừng giảm thiểu lãng phí.

Nhờ tích cực cải tiến năng suất, chất lượng, VinaStar đã dần đầu tư, áp dụng công nghệ, máy móc để giảm nhân công trong khi sản lượng sản xuất ra vẫn tăng. Không dừng lại đó, Giám đốc công ty Mai Khanh cho hay, công ty đang định hướng chuyển đổi số tại một số quy trình như: quản lý định mức sản phẩm; quản lý đơn hàng, kế hoạch sản xuất, tiến độ sản xuất; quản lý quy trình áp dụng chữ ký điện tử, quản lý chất lượng, quản lý máy móc thiết bị. Đầu năm 2025, các giải pháp sẽ được đưa vào áp dụng, từ đó sẽ kiểm soát các chi phí một cách tối ưu nhất.

Theo Phó viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Thu Hiền nhận định, các doanh nghiệp tùy vào mô hình văn hóa và loại hình sản phẩm mà có thể thiết kế mô hình phù hợp. Các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sẽ được sử dụng như các phương tiện để đạt tới mục tiêu của từng trụ cột trong mô hình. Câu chuyện của VinaStar là một mô hình điểm về cải tiến năng suất và đổi mới sáng tạo có hiệu quả giúp các tổ chức, doanh nghiệp  tham khảo.

Tuy nhiên, trên thực tế, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đạt được hiệu quả mà VinaStar đã có là điều không dễ dàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất gọn nhẹ, khả năng ứng biến linh hoạt nhưng lại đang phát triển tự phát, nhỏ lẻ; thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật. Trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp và năng lực cạnh tranh chưa cao. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh...

Tăng sức cạnh tranh cho địa phương

Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (Bộ Khoa học và công nghệ), tiến sĩ Hà Minh Hiệp đánh giá, Đồng Nai có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, việc cải tiến năng suất, chất lượng của doanh nghiệp cũng là tăng sức cạnh tranh cho địa phương. Có 2 vấn đề ông Hiệp khuyến nghị là nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn trong vấn đề năng suất. Đây không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp. Nếu cơ quan quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp , các cơ chế, chính sách, văn bản khi ban hành tạo được sự thông thoáng, thuận lợi sẽ là động lực để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất.

Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng được cho mình lực lượng chuyên gia tư vấn về năng suất, chất lượng. Mặc dù Đồng Nai rất gần Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tỉnh cũng phải chủ động hơn cho hoạt động năng suất. Đội ngũ các chuyên gia, cộng tác viên sẽ là nhân tố hỗ trợ doanh nghiệp  một cách có hiệu quả nhất.

Theo Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và công nghệ) Lê Xuân Trường, thời gian tới, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các nội dung hỗ trợ liên quan đến Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đồng thời, nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh. Tiếp tục lồng ghép các chương trình, đề án có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1322) trên địa bàn. Song song đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng để phục vụ cho giai đoạn tiếp theo.

TIN LIÊN QUAN