Mặc dù đã hết phong tỏa nhưng nhiều mặt bằng cho thuê tại các quận nội thành TP.HCM vẫn rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều nơi chủ nhà liên tục giảm giá từ 30 - 50% vẫn không có khách đến thuê.
Khảo sát tại một số quận cho thấy, từ đầu tháng 11, giá thuê mặt bằng kinh doanh tại vị trí mặt tiền đường ở khắp khu vực trung tâm lẫn ngoại thành TP.HCM đều tiếp tục giảm.
Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn hơn trước dẫn đến khó trụ lại khiến nhiều chủ nhà đồng ý kéo dài thời hạn giảm giá đến hết năm nay. Động thái này để kích cầu trong bối cảnh mặt bằng vẫn bị bỏ trống nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trên các tuyến đường chính Hai Bà Trưng (Q.1 và Q.3), Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi (Q.1 và Q.5), Cộng Hòa (Tân Bình)… rất nhiều cửa hàng rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ, thậm chí còn đóng cửa.
Tại khu vực Q.1, nhà mặt tiền cho thuê trên đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu treo biển rất nhiều nhưng khá vắng vẻ. Có nhiều nhà treo biển cho thuê từ giữa năm 2020 đến nay nhưng vẫn chưa có người đến thuê.
Theo anh Đức Thuận, một môi giới thâm niên cho thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm như Q.1, Q.3, nhiều nhà phố có vị trí đắc địa cho thuê nhưng mấy tháng nay vẫn tìm chưa ra khách thuê mặc dù giá đã giảm rất nhiều so với trước dịch.
Cũng theo anh Đức Thuận, dù thành phố đã hết giãn cách xã hội nhưng tình hình kinh doanh, buôn bán vẫn chưa phục hồi nên nhiều người chưa dám thuê để làm ăn nên mặt bằng trống vẫn còn khá nhiều. Hiện nhiều chủ nhà đã giảm đến 50% giá thuê trong quý 4 và có thể quý 1/2022 nhằm hỗ trợ khách thuê.
Bà Ngọc Hà, chủ nhà trên đường Phan Đình Phùng, Q. Phú Nhuận cho biết, không phải đến khi TP.HCM dỡ phong tỏa mà trước đó vài tháng bà đã giảm giá cho thuê nhà 30% đối với khách thuê dài hạn và đến nay giảm tiếp đến 50% nhưng vẫn chưa có người thuê.
Anh Tấn Hoàng chủ nhà trên đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình cho biết, nhà anh treo biển cho thuê đã nhiều tháng nay mà chưa ai đến hỏi. Trước đây, anh cho thuê tầng dưới được khoảng 35 triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ 20 triệu đồng/tháng cũng không có người thuê.
Trong khi đó, tại khu vực Q. Gò Vấp, trên các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Oanh có rất nhiều mặt bằng cho thuê nhưng nhiều tháng qua vẫn “án binh bất động”.
Anh Quý Hải, chủ nhà cho thuê trên đường Quang Trung, Q. Gò Vấp cho biết, hơn 6 tháng nay, nhà anh vẫn để trống, chưa có khách thuê. Mặc dù đã giảm giá nhiều lần nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa có ai đến thuê.
“Dịch bệnh bùng phát và kéo dài trong nhiều tháng đã khiến TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn, buôn bán của người dân và khiến cho kinh doanh ế ẩm ngày càng ế ẩm hơn, vì vậy người thuê trả mặt bằng và người cho thuê cũng rơi vào thế khó khăn không kém", anh Qúy Hải chia sẻ thêm.
Theo Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM, thị trường cho thuê mặt bằng đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng. Để giữ chân khách thuê hiện tại, nhiều chủ nhà tại các trục đường lớn ở TP.HCM phải giảm giá thuê. Đối với với các mặt bằng đang dán bảng hoặc treo biển cho thuê thì chủ nhà phải giảm từ 20 - 40% giá thuê.
Đối với các trường hợp ký hợp đồng thuê dài hạn 3 - 5 năm, nhiều khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Tuy nhiên, một số chủ nhà cho biết, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục và giá thuê vẫn không được thống nhất bởi hai bên thì họ sẽ tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.
Hiện phần lớn các chủ nhà vẫn duy trì đà giảm giá thuê cho nhóm khách hàng đang ký hợp đồng hiện hữu để tránh tình trạng khách cũ dọn đi. Do tác động của đợt dịch lần thứ tư khá nặng nề, hiện nhiều nhà phố mặt tiền bỏ trống và đây là giai đoạn có nhiều mặt bằng đẹp để chọn lựa và dễ đàm phán giá thuê nhất.
Tuy nhiên, không phải chủ nhà nào cũng có thể giảm giá thuê dài hạn cho khách thuê do phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của các chủ tài sản. Với các chủ nhà không bị áp lực vốn vay, mức hỗ trợ giảm giá duy trì ở mức cao và kéo dài. Song những chủ nhà vướng chi phí tài chính, mức giảm giá thấp hơn và ngắn hạn hơn, thậm chí có trường hợp dừng giảm giá thuê khi dỡ phong tỏa.
Trước đà điều chỉnh giảm giá thuê mạnh nhất từ trước đến nay do tác động của dịch bệnh, trong thời gian tới, giá thuê mặt bằng sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ hồi phục kinh tế, đặc biệt là sự hồi phục của thị trường bán lẻ và ngành dịch vụ.