Giá cước tăng cao, doanh nghiệp vận tải cảng biển lãi đậm

(CL&CS) - Hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng, nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến.

9 tháng đầu năm, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Trong quý 3, doanh nghiệp này đạt 4.127 tỷ đồng doanh thu, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận quý vừa qua đạt 760 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 30 tỷ đồng).

Hết quý 3/2021, VIMC đã hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp đã đề ra. Cụ thể, năm 2021, VIMC đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm là 944 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 quý đầu năm, VIMC đã đạt lợi nhuận 1.300 tỷ đồng.

Những chỉ số tích cực của VIMC nhờ kết quả kinh doanh khả quan từ vận tải đến khai thác cảng biển. Trong đó, khối vận tải biển kinh doanh vượt kế hoạch đề ra trong 9 tháng, nhờ sự hồi phục mạnh từ thị trường tàu hàng khô. Các doanh nghiệp thành viên đều đàm phán cho thuê tàu với giá tốt. Tổng sản lượng vận tải biển 9 tháng đầu năm đạt hơn 18 triệu tấn, lợi nhuận hơn 380 tỷ đồng.

Trong số đó, Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng công bố lợi nhuận quý 3 tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, trong quý 3 doanh thu thuần đạt 384 tỷ đồng, tăng 31,2%, lãi sau thuế đạt gần 186 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 21 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Vosco lãi sau thuế hơn 408 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đặt ra cho cả năm.

Các thành viên khác của VIMC cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực như Công ty Cổ phần Vận tải Biển Vinaship lãi 69 tỷ đồng sau 9 tháng. Công ty Đông Đô Marine báo lãi 6 tỷ đồng sau nhiều năm lỗ nặng.

9 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp vận tải, cảng biển thắng lớn.

Nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng ghi nhận đà tăng trưởng khả quan, như trong quý vừa qua, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đạt doanh thu thuần 476 tỷ đồng, tăng 65%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng 370%, đạt hơn 100 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất của Hải An kể từ khi niêm yết vào năm 2014.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của HAH đạt 1.284 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 284 tỷ đồng. Hai chỉ số trên lần lượt tăng một nửa và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, doanh nghiệp này vượt 79% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm chỉ sau 9 tháng.

Đại diện của HAH cho biết, hoạt động kinh doanh khởi sắc là nhờ giá cho thuê tàu trong quý 3 tăng khá mạnh. Cùng với đó, sản lượng vận tải, giá cước neo cao giúp cải thiện lợi nhuận của đội tàu. Ngoài ra, sản lượng hoạt động khai thác cảng, depot cũng tăng do đội tàu đem lại và các công ty liên kết đều ghi nhận lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty CP Container Việt Nam công bố lãi 126,7 tỷ đồng trong quý 3, tăng 62% so với quý 3/2020…

Tương tự, Công ty Đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ cũng công bố doanh thu thuần quý 3 đạt 156,6 tỷ đồng, tăng 10,6% so với quý 3 năm ngoái. Hết quý 3/2021 Cảng Đình Vũ lãi ròng 85,5 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận sau thuế đạt 218,5 tỷ đồng, tăng hơn 14%.

Một doanh nghiệp khác cũng hưởng lợi từ giá cước vận tải là Công ty CP Hàng hải Đông Đô. Doanh thu quý 3/2021 của Công ty đạt 86,3 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 19,8 tỷ đồng, trong khi quý 3/2020 âm 16,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Hàng hải Đông Đô lãi sau thuế 6,3 tỷ đồng, đây là kết quả kinh doanh tích cực so với mức lỗ 54,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, trong 10 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 587 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dù một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch bệnh nhưng tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, ước đạt gần 18,6 triệu TEU, tăng 15%.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành cảng biển duy trì triển vọng khả quan nhờ chiến dịch tiêm chủng toàn cầu củng cố triển vọng thương mại và gia tăng lượng hàng hóa qua cảng.

Bất chấp rủi ro ngắn hạn về gián đoạn sản lượng sản xuất, VDSC dự báo tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số 15% và 14% trong năm 2021 và 2022 nhờ kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm vắc xin có thể tăng đáng kể trong những tháng tới (thực tế các lô vắc xin mới về Việt Nam gần như hàng tuần) và hoàn thành lộ trình tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối quý 1/2022. Điều này cũng sẽ thúc đẩy triển vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam đang diễn ra.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện Chính phủ đã triển khai kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đồng thời chỉ đạo các giải pháp đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Đây sẽ là những nhân tố hứa hẹn hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển duy trì đà tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN