Gạo Việt ngon nhất thế giới và việc định hình thương hiệu ở tương lai

(NTD) - Đây cũng không phải là lần đầu tiên hạt gạo Việt được xướng tên ở các cuộc thi gạo ngon thế giới, thế nhưng vì sao thương hiệu gạo quốc gia chúng ta vẫn chưa được định hình? Có lẽ, đã đến lúc ngành lúa gạo phải nghiêm túc nhìn lại...

Tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines (diễn ra từ ngày 10-13/11/2019), gạo ST25 của Việt Nam chính thức được công nhận “gạo ngon nhất thế giới 2019″. Sự kiện này cũng đánh dấu những nỗ lực mới nhất của ngành lúa gạo Việt.

Sau một quá trình nghiêm túc được tiến hành bởi các đầu bếp quốc tế - những người sẽ kiểm tra cảm quan của gạo trước khi nấu cơm, độ ngon của cơm và chọn ra loại gạo thắng cuộc.

ST25 không phải cái tên... lạ!

Gạo ST25 Sóc Trăng được sản xuất từ giống lúa thơm nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng, gắn liền tên tuổi của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, gạo thơm ST25 được nghiên cứu lai tạo từ năm 2008, đến năm 2016, ST25 bắt đầu nổi tiếng tại các thị trường tiêu thụ gạo mạnh như: Chợ gạo Tân Trụ (tỉnh Long An), chợ gạo Bà Đắc (tỉnh Tiền Giang)... Sau đó lan rộng ra khắp cả nước. So với nhiều loại gạo khác, ST25 cơ bản có sự khác biệt về độ dài của hạt, trừ đối với giống gạo “anh em” ST20. Gọi là giống gạo “anh em” ST20 vì chỉ riêng bộ sưu tập các giống lúa thơm ST có đến hơn 20 loại đều do kỹ sư Hồ Quang Cua, cùng với các cộng sự của mình là kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương và TS. Trần Tấn Phương lai tạo ra.

Tất nhiên, để giành giải quán quân gạo ngon thế giới tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11, ST25 phải vượt qua hàng chục loại gạo có thương hiệu khác đến từ Thái Lan, Campuchia... sau một quá trình nghiêm túc được tiến hành bởi các đầu bếp quốc tế - những người sẽ kiểm tra cảm quan của gạo trước khi nấu cơm, độ ngon của cơm và chọn ra loại gạo thắng cuộc. Kết quả là, gạo ST25 Việt Nam được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Đặc biệt, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng...

Tại Việt Nam, cái tên gạo ST25 không phải quá xa lạ với người tiêu dùng, đặc biệt với người nông dân trồng lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước. Trên thị trường quốc tế, gạo ST25 cũng không phải không có... tiếng nói. Còn nhớ, gạo ST25 từng được xếp trong top 3 gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo được tổ chức tại Macau, Trung Quốc vào tháng 11/2017.

Tuy nhiên, nếu so với giải quán quân lần này, có thể nói sau 10 năm nỗ lực, hạt gạo Việt - mà điển hình là ST25 đã ghi dấu ấn với quốc tế. Bởi, trong lịch sử cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World’s Best Rice), Thái Lan luôn là ứng viên hàng đầu với nhiều lần đoạt giải. Trong 10 lần tổ chức cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan là nước dẫn đầu với 5 lần đạt giải nhất, tiếp đến là Campuchia với 4 lần, Mỹ có 2 lần và Myanmar 1 lần (có những năm hai quốc gia đồng giải gạo ngon nhất).

 

Thương hiệu gạo quốc gia

Ngoài ST25, những năm qua, Việt Nam cũng có không ít các loại gạo Việt được xướng tên trong các cuộc thi quốc tế. Chẳng hạn như tại các cuộc thi gạo ngon thế giới được tổ chức tại Malaysia (năm 2015) và tại Macau - Trung Quốc (năm 2017), hai giống gạo của Việt Nam từng vào top 3, lần lượt là ST25 và Lộc Trời 1 (CTCP Tập đoàn Lộc Trời). Ngoài ra, trong Hội nghị thương mại gạo Đại lục lần thứ 5 được tổ chức tại Trung Quốc (năm 2018), gạo Lộc Trời 28 đoạt giải nhất ở phân khúc gạo thơm, còn gạo OM 18 cũng của CTCP Tập đoàn Lộc Trời, đoạt giải nhì ở phân khúc gạo trắng...

Tuy nhiên, sau đó thì tên tuổi gạo Việt vẫn chưa được thế giới biết đến nhiều bởi Việt Nam cũng chưa có cái gọi là “thương hiệu gạo quốc gia”. Vì vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn lẹt đẹt ở mức thấp, dù đó là những tên tuổi đã nổi tiếng hiện nay như ST25. Bằng chứng là, giá gạo ST25 của Việt Nam là thương hiệu gạo có giá trị cao nhất, cũng được xuất khẩu với mức giá chỉ 750-800 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự lên đến 1.100-1.200 USD/tấn...

Nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam không đạt giá trị cao như của các nước, theo các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, thì: Sở dĩ gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, tạo được niềm tin về chất lượng với khách hàng. Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam cho dù chất lượng cao nhưng không ai biết nên luôn có giá thấp, dẫn đến dù đã chuyển qua xuất khẩu gạo chất lượng cao nhưng giá trị thu về cũng không thay đổi nhiều so với thời kỳ xuất khẩu gạo thường...

Theo GS. Võ Tòng Xuân, cách xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường cấp thấp với giá trị thấp, hàng xuất khẩu đóng bao 50kg/bao hoặc container nên không có thương hiệu. Gần đây có thêm các loại gạo cao cấp hơn như gạo thơm... nhưng cách bán vẫn đóng bao là chủ yếu. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2010-2016, gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu nhưng giá trị thu được không cao.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới, cho rằng Việt Nam không thiếu gạo ngon để cạnh tranh với các nước. Vấn đề là làm sao để người tiêu dùng thế giới biết đến giá trị của gạo Việt Nam. Làm thương hiệu không phải để bán được nhiều gạo hơn, mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và cho nông dân trồng lúa...

“Với các giống lúa có giá trị cao của Việt Nam như Lộc Trời 1, Lộc Trời 28, ST25, ST25, Nhà nước và các đơn vị liên quan cần phối hợp để nhân giống giúp đạt yêu cầu nhất định về sản lượng. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo thơm trắng Việt Nam bao gồm các giống có chất lượng cao nêu trên để xuất khẩu được giá, thay vì chỉ quan tâm đến tiêu chí sản lượng xuất khẩu nói chung như trước đây” - ông Nghĩa nói.

Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110-115cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã. ST25 chịu phèn, mặn tốt nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa - tôm. Ngoài ra, giống lúa ST25 không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha. Đặc biệt, đây là giống lúa cao sản có thể trồng 2-3 vụ/năm, trong khi gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày chỉ trồng được một vụ/năm.

An Nhiên

Nên đọc